Đức tìm "điểm cân bằng" lợi ích trong vai trò đầu tàu kinh tế

Cách xử lý vấn đề thận trọng, coi trọng đối thoại và hết sức tránh đối đầu của chính quyền Thủ tướng Scholz đã đặt ông trước rất nhiều áp lực, cả từ nội bộ Đức lẫn các đồng minh châu Âu và Mỹ.
Đức tìm "điểm cân bằng" lợi ích trong vai trò đầu tàu kinh tế ảnh 1Tổng thống Mỹ Joe Biden (giữa- phải) và Thủ tướng Đức Olaf Scholz (giữa-trái) tại cuộc hội đàm ở Nhà Trắng, Washington, DC, Mỹ, ngày 7/2. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Chỉ 1 tháng sau khi nhậm chức, Thủ tướng Đức Olaf Scholz đã có chuyến công du ngoài châu Âu đầu tiên trên cương vị mới, và điểm đến là Mỹ.

Điều đó cho thấy sau trọng tâm là tăng cường sức mạnh và vị thế của Liên minh châu Âu (EU) trên trường quốc tế, qua đó khẳng định vai trò của quốc gia đầu tàu Đức, việc thúc đẩy các mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương và hợp tác với Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) là ưu tiên thứ hai trong chính sách đối ngoại của Đức.

Bên cạnh đó, chuyến thăm của ông Olaf Scholz tới Nhà Trắng và hội đàm với Tổng thống Mỹ Joe Biden được coi là cơ hội quan trọng để Đức thể hiện vị thế là một trong những cường quốc hàng đầu thế giới, đồng minh quan trọng nhất của Mỹ tại châu Âu, trong bối cảnh không ít ý kiến cho rằng đang xuất hiện những rạn nứt nhất định giữa Washington và Berlin về xử lý một số vấn đề, khiến hình ảnh của Đức có phần bị ảnh hưởng.

Ngay từ những ngày đầu nắm quyền, Thủ tướng Scholz và nội các của ông đã phải đối mặt với một thách thức đối ngoại vô cùng khó khăn: vấn đề Ukraine và mối quan hệ với Nga.

Trong khi Mỹ và một số đồng minh thể hiện thái độ hết sức cứng rắn với Nga, cả về mặt ngôn từ lẫn hành động thực tế (như cung cấp vũ khí cho Ukraine, tăng cường lực lượng quân đội và vũ khí, trang thiết  bị quân sự ở các nước Đông Âu), thì chính phủ của Thủ tướng Olaf Scholz lại thực hiện chính sách đối ngoại thận trọng và ôn hòa hơn.

[Tổng thống Mỹ Biden khẳng định Đức là một đồng minh đáng tin cậy]

Trước lời kêu gọi của chính phủ Ukraine đề nghị Berlin cung cấp vũ khí cho Kiev, Thủ tướng Scholz và Ngoại trưởng Annalena Baerbock đã dứt khoát khước từ và khẳng định Đức sẽ không chuyển giao vũ khí tới khu vực khủng hoảng.

Lý do được đưa ra là xuất phát từ lịch sử nước Đức, quy định trong thỏa thuận liên minh cầm quyền cũng như quan điểm cung cấp vũ khí không phải là giải pháp giải quyết vấn đề.

Trước yêu cầu chấm dứt vĩnh viễn dự án đường ống dẫn khí Dòng chảy phương Bắc 2 (Nord Stream 2, cung cấp khí đốt tự nhiên của Nga đến Đức bằng hệ thống đường ống dưới biển Baltic, không đi qua Ukraine) nếu Nga có hành động quân sự với Ukraine, Berlin thường tránh đề cập trực tiếp.

Về đề nghị cần có thái độ cứng rắn dứt khoát với Moskva và kiên quyết ủng hộ Ukraine, Berlin bày tỏ vẫn coi trọng các cuộc đàm phán với Nga ở mọi khuôn khổ và tránh làm đổ vỡ mối quan hệ hết sức quan trọng với Moskva.

Cách xử lý vấn đề thận trọng, coi trọng đối thoại và hết sức tránh đối đầu của chính quyền Thủ tướng Scholz đã đặt ông trước rất nhiều áp lực, cả từ nội bộ chính trường Đức lẫn các đồng minh châu Âu và Mỹ.

Một số tiếng nói ở Mỹ, trong đó có nhiều thành viên Quốc hội, cho rằng Đức là đối tác "không đáng tin cậy" và là "mắt xích yếu nhất trong Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương NATO."

Đức tìm "điểm cân bằng" lợi ích trong vai trò đầu tàu kinh tế ảnh 2Thủ tướng Đức Olaf Scholz phát biểu tại Berlin ngày 21/1. (Ảnh: AFP/ TTXVN)

Chính quyền của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tỏ ra rất thất vọng. Thứ trưởng Ngoại giao Ba Lan Szymon Szynkowski vel Sek thì cho rằng đang có những hoài nghi về việc liệu có thể tin tưởng vào nước Đức hay không.

Nhà nghiên cứu Marcel Dirsus thuộc Viện Chính sách an ninh, Đại học Kiel (Đức) đánh giá chính phủ mới thành lập được 2 tháng của Thủ tướng Scholz "đang ở trong một tình thế vô cùng khó khăn" khi một mặt muốn giữ hòa khí với Mỹ, đồng minh quan trọng nhất của Đức bên ngoài châu Âu, song cũng không muốn gây căng thẳng quan hệ với Nga, nước cung cấp khí đốt chính của Berlin.

Trong khi đó, một số nhà phân tích nhận định với tư cách là đầu tàu EU, ở một mức độ nào đó, mối quan hệ Đức-Mỹ và Đức Nga có thể coi là thước đo của mối quan hệ EU-Mỹ và EU-Nga. 

Trong bối cảnh đó, chuyến thăm của Thủ tướng Đức tới Washington được cho là tìm cách thúc đẩy hơn nữa mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương với đồng minh quan trọng nhất bên ngoài châu Âu là Mỹ, trong khi vẫn bảo đảm lợi ích chiến lược của Berlin.

Phát biểu sau hội đàm tại Washington, Tổng thống Biden cho biết ông và nhà lãnh đạo Đức đã có một cuộc hội đàm rất hiệu quả.

Tổng thống Biden khẳng định Đức là một trong những đồng minh quan trọng nhất của Mỹ, hai bên có mối quan hệ song phương hết sức bền chặt, nhấn mạnh Đức là một đồng minh "đáng tin cậy," có vai trò hàng đầu trong việc giảm leo thang căng thẳng và ông không có bất kỳ "nghi ngờ" nào đối với Berlin.

Ông cho biết sẽ tiếp tục hợp tác chặt chẽ với Thủ tướng Đức để củng cố và làm sâu sắc hơn quan hệ đồng minh hết sức quan trọng này.

Trong khi đó, Thủ tướng Scholz cũng khẳng định quan hệ đối tác xuyên Đại Tây Dương giữa Đức và Mỹ là một trong những hằng số rất, rất quan trọng trong nền chính trị Đức, không chỉ trong hiện tại mà cả tương lai.

Ông cho biết cuộc thảo luận với nhà lãnh đạo Mỹ rất sâu sắc, đã một lần nữa khẳng định mối quan hệ hợp tác tốt đẹp giữa hai nước và mối liên kết vững chắc trong quan hệ đối tác xuyên Đại Tây Dương giữa Mỹ và châu Âu.

Theo ông, Berlin và Washington đang “hành động cùng nhau” và “hoàn toàn đoàn kết” trong các bước đi đối với Nga.

Nhà lãnh đạo Đức cảnh báo về những biện pháp "rất cứng rắn, được thống nhất chung và sâu rộng" sẽ lập tức được áp dụng và nước Nga sẽ phải trả một "cái giá rất đắt" nếu có hành động quân sự với Ukraine, song đã tránh đề cập trực tiếp tới tuyến đường ống dẫn khí đốt Nord Stream 2 khi được phóng viên đặt câu hỏi trong cuộc họp báo.

Giới phân tích cho rằng từ kết quả của cuộc hội đàm và những cam kết chính trị giữa hai bên, có thể thấy thông điệp mà hai nhà lãnh đạo đưa ra cho mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương và cho "độ tin cậy" của nước Đức là rõ ràng.

Hai bên cũng thể hiện rằng Mỹ và Đức thống nhất quan điểm, không chỉ trong vấn đề Ukraine và mối quan hệ với Nga. Tuy nhiên, nhà lãnh đạo Đức vẫn tránh được những tuyên bố gay gắt có thể làm "mếch lòng" Nga.

Thủ tướng Đức Olaf Scholz tới Washington với sự tự tin, điều đó có lẽ đã giúp ông vượt qua áp lực từ Mỹ. 

Nhìn chung, dư luận Đức đánh giá cao chuyến thăm và sự thể hiện của Thủ tướng Scholz tại Washington. Nhiều ý kiến cho rằng mặc dù một chuyến thăm chưa giúp xóa bỏ mọi nghi ngờ, chỉ trích, đồng thời cũng phải chờ xem liệu nhà lãnh đạo Đức và nội các của ông sẽ cụ thể hóa những cam kết chính trị thành hành động thực tế như thế nào trong thời gian tới, nhưng một trong những ấn tượng tốt để lại đó là việc ông đang thể hiện đúng vị thế của nhà lãnh đạo một cường quốc hàng đầu thế giới.

Sau 24 giờ bận rộn với đồng minh quan trọng nhất, dự kiến Thủ tướng Scholz sẽ tới Ukraine và Nga vào tuần tới.

Giới phân tích nhận định các chuyến công du này của nhà lãnh đạo Đức là nhằm tìm kiếm "điểm cân bằng" lợi ích khi xử lý mối quan hệ với các nước lớn như Mỹ và Nga.

Có vẻ chính phủ của Thủ tướng Scholz sẽ thực thi chính sách đối ngoại thực dụng, tính toán đến những lựa chọn chiến lược để bảo vệ tối đa lợi ích của Đức./. 

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục