Đức tiếp tục hỗ trợ Việt Nam quản lý tài nhiên thiên nhiên

Cộng hòa liên bang Đức sẽ tiếp tục hỗ trợ Việt Nam các vấn đề về môi trường, quản lý tài nhiên thiên nhiên và bảo vệ đa dạng sinh học.
Quang cảnh hội nghị. (Ảnh: Lê Ngọc Dung/Vietnam+)

Việt Nam tiếp tục là một trong những đối tác quan trọng nhất của Cộng hòa liên bang Đức và Đức tiếp tục hỗ trợ Việt Nam, đặc biệt là các vấn đề về môi trường, quản lý tài nhiên thiên nhiên và bảo vệ đa dạng sinh học.

Ông Jochem Lange, Trưởng đại diện tổ chức Hợp tác Phát triển Đức (GIZ) tại Việt Nam đã khẳng định như vậy tại Hội nghị chuyên đề “Thích ứng với biến đổi khí hậu ở vùng ven biển tỉnh Sóc Trăng” do dự án hợp tác kỹ thuật Việt Đức “Quản lý nguồn tài nguyên thiên nhiên vùng ven biển tỉnh Sóc Trăng” phối hợp với Ủy ban nhân dân tỉnh và Sở nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh tổ chức tại Thành phố Hồ Chí Minh ngày 19/11.

Khôi phục rừng ngập mặn, quản lý rừng ngập mặn, quản lý tổng hợp vùng bờ và bảo vệ chống xói lở thông qua rào chắn sóng bằng tre và nhận thức môi trường là chủ đề chính của hội nghị.

Tại hội nghị, các kinh nghiệm thực tế thích ứng với biến đổi khí hậu trong sáu năm qua tại tỉnh Sóc Trăng đã được các đại biểu chia sẻ như các giải pháp để giải quyết mâu thuẫn giữa phát triển kinh tế và quản lý bền vững tài nguyên thiên nhiên; thích ứng với biến đổi khí hậu ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long tập trung vào đa dạng hóa sinh kế và quản lý bảo vệ rừng ngập mặn; xây dựng năng lực vùng đối với biến đổi khí hậu.

Do thiếu cách tiếp cận tổng hợp để quản lý, sử dụng và bảo vệ vùng ven biển bền vững tại tỉnh Sóc Trăng, trách nhiệm không rõ ràng của các cấp chính quyền địa phương và sự mở rộng diện tích, chạy theo lợi ích kinh tế của nghề nuôi tôm nên đã dẫn đến những lo ngại ngày càng cao về các tác động xấu đến môi trường và xã hội và dẫn đến việc sử dụng các nguồn tài nguyên thiên nhiên vùng ven biển không bền vững. Điều này đe dọa đến chức năng bảo vệ của vành đai rừng ngập mặn và làm giảm nguồn thu nhập của người dân địa phương.

Bên cạnh đó, vùng ven biển không chỉ chịu tác động sinh thái xấu do việc nuôi tôm mà còn bị ảnh hưởng bởi các tác động của biến đổi khí hậu như ngày càng có nhiều cơn bão, lũ lụt và mực nước biển dâng cao.

Theo các chuyên gia, nhà khoa học dự báo về ảnh hưởng của biến đổi khí hậu trong tương lai, nếu nước biển dâng cao thêm 1m, sẽ có khoảng 70% diện tích đất ở Đồng bằng sông Cửu Long bị nhiễm mặn, tức là mất khoảng 2 triệu ha đất trồng lúa và nhiều địa phương nằm ven biển bị ngập chìm trong nước, thiệt hại về hệ thống cơ sở hạ tầng vô cùng lớn.

Riêng tỉnh Sóc Trăng, 44% diện tích sẽ bị ngập nước. Việc này sẽ tác động đến hơn 450.000 người, tương đương với 35% dân số của tỉnh.

Việt Nam là một trong năm nước trên thế giới bị ảnh hưởng lớn của việc biến đổi khí hậu và Đồng bằng sông Cửu Long là một trong ba đồng bằng lớn trên thế giới bị ảnh hưởng nặng nề.

Thời gian qua, để ứng phó với biến đổi khí hậu, Chính phủ Việt Nam đã đồng triển khai công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân về cách thích nghi và đối phó với hạn hán, xâm nhập mặn, lũ lụt, từng bước giúp họ chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, cơ cấu mùa vụ hợp lý nhằm từng bước thích ứng điều kiện sinh thái của địa phương, đồng thời, triển khai xây dựng nhiều công trình ngăn mặn, giữ ngọt./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục