Chính phủ Đức ngày 24/8 đã thông qua các biện pháp tiết kiệm năng lượng trong mùa Đông, trong đó có việc hạn chế sử dụng đèn chiếu sáng ở nơi công cộng.
Theo phóng viên TTXVN tại Berlin, phát biểu họp báo sau cuộc họp nội các với Bộ trưởng Giao thông Vận tải Volker Wissing, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Kinh tế Đức Robert Habeck cho biết chính phủ sẽ giảm từ 2-2,5% lượng khí đốt sử dụng và các tuyến đường sắt quốc gia cũng sẽ ưu tiên hoạt động vận chuyển nhiên liệu.
Cũng theo quy định mới, các tòa nhà công cộng tại Đức sẽ giảm nhiệt sưởi ấm và đường phố sẽ ít đèn hơn trong những ngày Đông sắp tới.
Kể từ ngày 1/9, các tòa nhà công cộng, ngoại trừ các cơ sở như bệnh viện, nhà dưỡng lão được duy trì nhiệt độ sưởi tối đa 19 độ C, nhưng toàn bộ hệ thống sưởi ở hành lang và tiền sảnh được yêu cầu tắt.
Ngoài ra, các doanh nghiệp, cửa hàng không được phép bật đèn chiếu sáng mặt tiền vào ban đêm.
Trước đó, trong nỗ lực tiết kiệm năng lượng trên toàn quốc, từ cuối tháng Bảy, nhiều thành phố tại Đức đã thực hiện tắt đèn chiếu sáng của một số đài tưởng niệm và công trình lịch sử, thậm chí ngừng cung cấp nước nóng, giảm mức nhiệt sưởi ấm tối đa và đèn tại những công trình công cộng.
Bộ Kinh tế ước tính, các biện pháp này có thể tiết kiệm cho các hộ gia đình, công ty và khu vực công khoảng 10,8 tỷ euro (10,7 tỷ USD) trong 2 năm tới.
[Infographics] Châu Âu ứng phó với nguy cơ thiếu khí đốt
Bên cạnh các biện pháp tiết kiệm năng lượng mới, Đức đang nỗ lực lắp đặt 2 nhà ga tiếp nhận khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) trên bờ Biển Bắc để giúp tăng cường dự trữ khí đốt cho những tháng mùa Đông
Tình trạng thiếu khí đốt đang khiến các ngành công nghiệp Đức tạm thời chuyển sang sử dụng nhiều than và dầu hơn trong các quy trình sản xuất.
Theo ông Habeck, để đảm bảo an ninh nguồn cung, Đức cũng phải thay đổi các tuyến đường giao hàng. Điều này khiến các công ty logistics gặp nhiều khó khăn.
Dự kiến, những quy định mới sẽ áp dụng trong 6 tháng chủ yếu để giúp nền kinh tế Đức tránh nguy cơ bị gián đoạn trong mùa Đông, thời điểm các hộ gia đình sử dụng khí đốt để sưởi và nhu cầu năng lượng tăng cao.
Cho đến nay, Chính phủ Đức đã thông báo kế hoạch kích hoạt lại 2 nhà máy điện than tại nước này nhằm tiết kiệm năng lượng khí đốt trong mùa Đông tới.
Trong khi đó, Thụy Sĩ đã đặt mục tiêu tự nguyện tiết kiệm 15% lượng khí đốt sử dụng cho mùa Đông tới khi châu Âu đối mặt với nguy cơ thiếu khí đốt do ảnh hưởng của cuộc xung đột tại Ukraine.
So với các nước khác trong Liên minh châu Âu (EU), Thụy Sĩ ít phụ thuộc vào khí đốt hơn, với tỷ trọng khí đốt trong tổng năng lượng tiêu thụ quốc gia thấp hơn so với các nước còn lại.
Tuy nhiên, cũng có tới 75% tổng năng lượng tiêu thụ trong cả năm tại Thụy Sĩ là dành cho những tháng mùa Đông.
Nước này đặt mục tiêu giảm 15% lượng khí đốt sử dụng trong mùa Đông tới (trong giai đoạn từ tháng 10/2022 và tháng 3/2023) so với trung bình lượng khí đốt sử dụng cùng giai đoạn trong 5 năm qua (tương đương khoảng 3,6 terrawatt giờ).
Lĩnh vực có thể tiết kiệm được nhiều năng lượng nhất là sưởi ấm, do đó, chính phủ dự định yêu cầu giảm mức nhiệt sưởi ấm các tòa nhà và tắt máy tính và các thiết bị khi không cần thiết.
Vì phải nhập khẩu toàn bộ khí đốt từ nước ngoài nên Thụy Sĩ sẽ chịu tác động trực tiếp nếu châu Âu khan hiếm khí đốt./.