Ngày 1/12, Chính phủ Liên bang Đức đã thông qua kế hoạch triển khai khoảng 1.200 binh sỹ cùng các máy bay do thám Tornado tham gia lực lượng liên minh chống tổ chức khủng bố "Nhà nước Hồi giáo" (IS) tự xưng ở Syria và Iraq.
Phát biểu với báo giới, Thủ tướng Đức Angela Merkel khẳng định từ tháng 9/2014, Berlin đã là một phần trong liên minh quốc tế chống IS dù cho tới nay nước này mới chỉ tham gia huấn luyện cho lực lượng người Peshmerga ở miền Bắc Iraq cũng như cung cấp vũ khí để chống IS.
Theo bà, Đức muốn mở rộng hoạt động chống IS ở Syria với việc hỗ trợ do thám, cung cấp các thiết bị bảo vệ và hậu cần.
Ngoài ra, Berlin cũng sẽ đưa 6 máy bay trinh sát Tornado tới theo dõi việc di chuyển và các hoạt động của IS. Đức đồng thời cũng sẽ triển khai các máy bay tiếp liệu, một khinh hạm làm nhiệm vụ hộ tống tàu sân bay Charles de Gaulle của Pháp ở Địa Trung Hải.
Chính phủ Đức nêu rõ IS là mối đe dọa nguy hiểm đối với hòa bình thế giới và an ninh quốc tế, vốn đã được khẳng định trong một nghị quyết liên quan của Liên hợp quốc. Các tay súng IS đã gieo rắc nỗi sợ hãi và hoang mang khi truyền bá tư tưởng bạo lực cực đoan, các hành động khủng bố cũng như các cuộc tấn công đẫm máu và có hệ thống nhằm vào dân thường.
Dự kiến, ngày 4/12 tới, Quốc hội Đức sẽ tổ chức bỏ phiếu về kế hoạch hỗ trợ trị giá 134 triệu euro (tương đương 173 triệu USD) nêu trên với thời hạn trước mắt là một năm.
Sau khi được Quốc hội thông qua, sứ mệnh chống IS sẽ được bắt đầu triển khai ngay từ tháng 1/2016 và căn cứ không quân Incirlik ở Thổ Nhĩ Kỳ sẽ là nơi các máy bay do thám của Đức xuất kích. Từ đây, các máy bay của Đức cũng sẽ cất cánh để tiếp nhiên liệu cho các máy bay chiến đấu của các quốc gia trong liên minh chống IS. Đây được xem là sứ mệnh "phức tạp nhất" của quân đội Đức trong lịch sử.
Bên cạnh việc tham gia cuộc chiến chống IS ở Syria, Đức cũng sẽ tăng cường hỗ trợ lực lượng chiến đấu của Pháp ở Mali, theo đó Berlin sẽ triển khai tối đa 650 binh sỹ tham gia Phái bộ gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc ở Mali (MINUSMA).
Trong khi đó, đa số người dân Đức được hỏi bày tỏ quan ngại rằng việc nước này can dự chống IS sẽ làm gia tăng nguy cơ tấn công khủng bố trong nước.
Theo một cuộc thăm dò của Viện Nghiên cứu YouGov thực hiện, có tới 71% số người Đức được hỏi bày tỏ quan ngại nguy cơ bị IS tấn công, chỉ có 18% có ý kiến trái ngược.
Chủ tịch Hiệp hội quân đội Đức André Wüstner cho biết cuộc chiến chống khủng bố sẽ kéo dài ít nhất 10 năm./.