Ngày 7/3, Chính phủ của Thủ tướng Đức Angela Merkel đã thông qua dự luật quốc phòng bao gồm nội dung mở rộng sứ mệnh của quân đội nước này ở nước ngoài như Afghanistan, Mali, Iraq. Dự luật này cần được Hạ viện Đức thông qua để chính thức có hiệu lực.
Nguồn tin của Chính phủ Đức cho biết dự luật nói trên đề xuất tăng thêm 30% số binh sĩ Đức tới chiến trường Afghanistan, nâng tổng số quân Đức có mặt tại đây lên tới 1.300 binh sỹ. Ngoài ra, dự luật đề cập đến việc điều chỉnh các chiến dịch quân sự của Đức ở Iraq và việc quân đội nước này sẽ đóng quân tại Baghdad sau khi hoàn tất công tác huấn luyện ở các địa phương. Thêm vào đó, Đức sẽ bổ sung thêm 100 binh sỹ tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc tại Mali để đáp ứng nhu cầu về quân số ngày càng tăng.
Việc Nội các của Thủ tướng Merkel thông qua dự luật nói trên nhằm thực hiện một thỏa thuận trong lĩnh vực quốc phòng giữa Liên minh Dân chủ/Xã hội Cơ đốc giáo (CDU/CSU) của bà Merkel và lực lượng trung tả đảng Dân chủ Xã hội Đức (SPD) trong quá trình đàm phán tái thành lập "đại liên minh" lãnh đạo đất nước từ năm 2013.
[Trực thăng quân sự của Đức rơi ở Mali không bị tấn công]
Đây cũng là chính sách mà Đức đánh giá là phù hợp với sáng kiến hòa bình mới do Tổng thống Afghanistan Ashraf Ghani công bố mới đây trong bố cảnh tình hình an ninh tại nước này có nhiều bất ổn.
Ngoài vấn đề trên, Nội các của Thủ tướng Merkel cũng ủng hộ việc quân đội Đức tiếp tục thực hiện nhiệm vụ giám sát và tiếp nhiên liệu cho các máy bay chiến đấu hỗ trợ các nước đồng minh trong cuộc chiến chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng cũng như các chuyến bay trong khuôn khổ Hệ thống Chỉ huy và cảnh báo trên không (AWACs) của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).
Kề từ sau Chiến tranh Thế giới lần thứ 2, Đức hạn chế việc tham gia các hoạt động quân sự tại nước ngoài, chủ yếu hỗ trợ việc huấn luyện, giám sát, y tế và gìn giữ hòa bình. Liên minh cầm quyền mới ở Đức đã nhất trí bổ sung 10 tỷ euro cho ngân sách quốc phòng trong vòng 4 năm tới./.