Đức thông qua gói hỗ trợ 100 tỷ euro để hạn chế hóa đơn năng lượng

Hạ viện Đức ngày 15/12 đã thông qua dự luật trị giá ước tính 100 tỷ euro (106,14 tỷ USD) nhằm hạn chế hóa đơn tiền điện và khí đốt cho các hộ gia đình và doanh nghiệp kể từ tháng 1/2023.
Ảnh minh họa (Nguồn: AFP/TTXVN)

Hạ viện Đức ngày 15/12 đã thông qua dự luật trị giá ước tính 100 tỷ euro (106,14 tỷ USD) nhằm hạn chế hóa đơn tiền điện và khí đốt cho các hộ gia đình và doanh nghiệp kể từ tháng 1/2023.

Cụ thể, đối với các hộ gia đình và doanh nghiệp nhỏ, cái gọi là “phanh giá” năng lượng sẽ bắt đầu áp dụng từ tháng 3/2023 và sẽ hết hiệu lực đến  tháng 4/ 2024. Với gói hỗ trợ này, giá khí đốt sẽ giới hạn ở mức 12 cent euro/ kilowatt giờ (kWh) và điện ở mức 40 cent/kWh cho 80% lượng sử dụng dựa trên mức tiêu thụ của năm ngoái.

Đối với khoảng 25.000 khách tiêu dùng là các doanh nghiệp lớn, giá sẽ được ấn định là 7 cent/kWh đối với khí đốt và 13 cent/kWh đối với điện cho 70% lượng tiêu thụ dựa trên mức tiêu thụ năm ngoái. Mức áp dụng này sẽ bắt đầu từ tháng 1/2023 và hết hiệu lực vào tháng 1/2024.

Cũng từ năm tới, các công ty được hưởng lợi từ việc giảm giá sẽ phải đối mặt với những hạn chế về mức họ trả thưởng và cổ tức cho các nhà quản lý. Những doanh nghiệp nhận trên 25 triệu euro hỗ trợ của nhà nước sẽ bị cấm trả tiền thưởng hoặc cổ tức mới.

[EU thông qua gói hỗ trợ tín dụng trị giá 18,9 tỷ USD cho Ukraine]

Những doanh nghiệp nhận trên 50 triệu euro hỗ trợ, bị cấm hoàn toàn đối với bất kỳ khoản tiền thưởng hoặc cổ tức nào. Bất kỳ công ty nào vi phạm các điều kiện sẽ phải trả lại tiền chênh lệch giá cho chính phủ.

Kể từ năm 2021, giá khí đốt tại Đức đã tăng hơn gấp đôi, đặc biệt kể từ thời điểm xảy ra cuộc xung đột Nga – Ukraine, bắt đầu từ tháng 2/2022. Để giảm bớt tác động của những chi phí tăng cao này, Ủy ban giá khí đốt của Đức đã khuyến nghị chính phủ thực hiện mô hình hỗ trợ theo từng giai đoạn – cho cả doanh nghiệp và hộ gia đình cá nhân.

Gói hỗ trợ, nhằm cứu thị trường việc làm và yêu cầu các công ty tiếp tục ở lại Đức, được đưa ra sau khi các công đoàn nhiều lần cảnh báo các công ty vừa và nhỏ, vốn tạo thành “xương sống” của ngành công nghiệp Đức đang cân nhắc thu hẹp quy mô sản xuất ở Đức hoặc chuyển địa điểm sản xuất sang khu vực có thủ tục hành chính, chi phí năng lượng và gánh nặng thuế thấp hơn./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục