Đức: Thỏa thuận hạt nhân Iran không thể thương lượng lại

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Đức cho biết Berlin vẫn giữ quan điểm rõ ràng rằng ưu tiên cao nhất của Đức là gìn giữ thỏa thuận hạt nhân cũng như được thực hiện đầy đủ ở tất cả các bên.
Đức: Thỏa thuận hạt nhân Iran không thể thương lượng lại ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: Verdict)

Gìn giữ thỏa thuận hạt nhân quốc tế với Iran là ưu tiên hàng đầu của Đức và thỏa thuận này không thể thương lượng lại. Đây là tuyên bố được người phát ngôn Bộ ngoại giao Đức đưa ra trong ngày 25/4.

Phát biểu với báo giới, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Đức cho biết Berlin vẫn giữ quan điểm rõ ràng rằng ưu tiên cao nhất của Đức là gìn giữ thỏa thuận hạt nhân cũng như được thực hiện đầy đủ ở tất cả các bên.

Quan chức trên nhất mạnh thỏa thuận hạt nhân Iran hay còn gọi là Kế hoạch Hành động Toàn diện Chung (JCPOA) là kết quả của các cuộc đàm phán giữa 7 quốc gia và Liên minh châu Âu (EU), do đó nó không thể đàm phán lại.

Bên cạnh đó, Berlin cũng muốn đảm bảo rõ rằng chương trình hạt nhân của Iran là vì mục đích hòa bình.

[Nga: Không có lựa chọn thay thế cho thỏa thuận hạt nhân với Iran]

Cũng theo người phát ngôn Bộ Ngoại giao Đức, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã đề xuất một thỏa thuận bổ sung để giải quyết vấn đề này, đồng thời cho rằng các bên cần phải xem xét đề xuất trên một cách cẩn thận.

Trước đó một ngày, trong cuộc gặp với Bộ trưởng Năng lượng Iran Reza Ardakanian ở Tehran, Đại sứ Đức tại Iran Michael Klor-Berchtold cho biết Berlin xác định nghiêm túc mở rộng quan hệ hợp tác với Iran bất kể việc Mỹ có đưa ra quyết định gì đi nữa.

Những tuyên bố trên được đưa ra trong bối cảnh trước đó, theo thỏa thuận ký ngày 14/7/2015 giữa Iran và nhóm P5+1, Tehran hạn chế các hoạt động làm giàu urani để đổi lấy việc dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt của quốc tế liên quan chương trình hạt nhân của nước này.

Tuy nhiên, ông Trump đe dọa rút khỏi thỏa thuận hạt nhân lịch sử này và áp đặt trở lại các lệnh trừng phạt. Nhà lãnh đạo Mỹ yêu cầu soạn hiệp định bổ sung cho thỏa thuận hạt nhân với Iran, hoặc soạn thảo một cơ chế khác cho phép loại bỏ quan ngại của Washington bằng các hoạt động cụ thể của Tehran.

[Tổng thống Mỹ, Pháp vẫn bất đồng về thỏa thuận hạt nhân Iran]

Trong khi đó, Iran bác bỏ mọi khả năng thay đổi thỏa thuận này, đồng thời cảnh báo sẽ có biện pháp đáp trả nếu Mỹ phá vỡ thỏa thuận này. Hiện các nước EU đang nỗ lực thuyết phục chính quyền của Tổng thống Trump tiếp tục duy trì thỏa thuận hạt nhân lịch sử này.

Liên quan đến vấn đề này, theo Reuters, ngày 25/4, một người phát ngôn của chính phủ Anh cho biết nước này sẽ phối hợp chặt chẽ với các đồng minh để giải quyết những vấn đề liên quan tới Iran, tuyên bố thể hiện sự ủng hộ cuộc hội đàm giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và người đồng cấp Pháp Emmanuel Macron.

Người phát ngôn trên nêu rõ: "Chúng tôi đang phối hợp chặt chẽ với các đồng minh về cách giải quyết hàng loạt thách thức mà Iran đặt ra tại Trung Đông, trong đó có những vấn đề mà Tổng thống Macron đã đề xuất rằng sẽ có trong một thỏa thuận mới."

Người phát ngôn nói thêm: "Thỏa thuận nhạt nhân là sản phẩm của 13 năm ngoại giao không ngưng nghỉ và hiện đang có tác dụng. Nhưng đồng thời, chúng tôi nhận thấy có nhiều thứ mà thỏa thuận này không chạm đến song chúng ta cần phải giải quyết như tên lửa đạn đạo, hay những điều sẽ xảy ra khi thỏa thuận hết hạn và hoạt động gây mất ổn định khu vực của Iran"./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục