Đức: Thổ Nhĩ Kỳ cần phóng thích tù nhân để cải thiện quan hệ với EU

Thổ Nhĩ Kỳ khó có thể hồi sinh mối quan hệ vốn căng thẳng giữa nước này với Liên minh châu Âu (EU) trừ khi Ankara trả tự do cho các công dân Đức bị nước này bắt giữ.
Đức: Thổ Nhĩ Kỳ cần phóng thích tù nhân để cải thiện quan hệ với EU ảnh 1Nữ nhà báo Đức Mesale Tolu. (Nguồn: DPA)

Thổ Nhĩ Kỳ khó có thể hồi sinh mối quan hệ vốn căng thẳng giữa nước này với Liên minh châu Âu (EU) trừ khi Ankara trả tự do cho các công dân Đức bị nước này bắt giữ.

Đây là tuyên bố được Ngoại trưởng Đức Heiko Maas đưa ra ngày 31/8 sau khi người đồng cấp phía Thổ Nhĩ Kỳ kêu gọi một sự khởi đầu mới trong quan hệ với EU.

Trả lời phỏng vấn của các phóng viên khi tham dự Hội nghị không chính thức Ngoại trưởng EU tại thủ đô Vienna của Áo, Ngoại trưởng Đức Heiko Maas cho biết hiện có khoảng 50 công dân Đức đang bị giam giữ trong các nhà tủ của Thổ Nhĩ Kỳ kể từ khi chính quyền Ankara mạnh tay trấn áp sau cuộc đảo chính quân sự bất thành nhằm lật đổ Tổng thống Recep Tayyip Erdogan hồi tháng 7/2016. Trong số những công dân này có bảy người bị buộc tội và 35 người khác bị cấm rời khỏi lãnh thổ Thổ Nhĩ Kỳ.

Theo Ngoại trưởng Heiko Maas, Ankara cần phải giải quyết ngay các trường hợp này và đây cũng là một bước hướng tới bình thường hóa trong quan hệ không chỉ với Đức mà còn với Liên minh châu Âu.

[Đức hy vọng có thể cải thiện quan hệ với Thổ Nhĩ Kỳ]

Ngoại trưởng Đức cũng nhấn mạnh rằng để có được sự viện trợ kinh tế từ EU nhằm đối phó với sự sụt giảm của đồng nội tệ lire hiện nay, trước tiên Thổ Nhĩ Kỳ cần phải hoàn tất các điều kiện bình thường hóa và quyết định hoàn toàn phụ thuộc vào các phán quyết của tòa án Thổ Nhĩ Kỳ.

Dự kiến, Ngoại trưởng Đức Heiko Maas sẽ có chuyến thăm chính thức hai ngày tới Thổ Nhĩ Kỳ vào ngày 5/9. Quan hệ giữa Đức và Thổ Nhĩ Kỳ, vốn là hai quốc gia đồng minh gần gũi trong Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) bắt đầu rạn nứt kể từ khi Ankara bắt giữ một số công dân Đức và Berlin chỉ trích mạnh mẽ Thổ Nhĩ Kỳ về cách thức xử lý vụ đảo chính bất thành hồi giữa năm 2016, cũng như các vấn đề liên quan đến người Kurd.

Tuy nhiên, mối quan hệ này trong vài tháng gần đây đã được cải thiện, đặc biệt sau khi Thổ Nhĩ Kỳ trả tự do cho nhà báo Đức gốc Thổ Nhĩ Kỳ Deniz Yucel hồi tháng Hai vừa qua và dỡ bỏ lệnh cấm rời khỏi lãnh thổ đối với nữ nhà báo Đức Mesale Tolu./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục