Ngày 3/11 tại Hà Nội, Cục Quản lý Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) đã công bố Báo cáo kết quả điều tra quốc gia đánh giá nhanh các bệnh gây mù có thể phòng tránh (RAAB) năm 2015.
Cuộc khảo sát được thực hiện bởi các bác sỹ nhãn khoa địa phương dưới sự giám sát của Cục quản lý khám chữa bệnh và Bệnh viện Mắt Trung ương.
Khảo sát quốc gia về bệnh mù lòa có thể phòng tránh được ở Việt Nam năm 2015 được thực hiện tại 14 tỉnh bao gồm Điện Biên, Phú Thọ, Tuyên Quang, Bắc Ninh, Nam Định, Hà Tĩnh, Quảng Trị, Quảng Ngãi, Gia Lai, Lâm Đồng, Vũng Tàu, Bình Dương, Tiền Giang, Cà Mau.
Mục tiêu của khảo sát nhằm đánh giá những điều đã đạt được từ khi triển khai kế hoạch quốc gia về phòng chống mù lòa từ năm 2000; cung cấp số liệu chuẩn cho kế hoạch hành động ở 14 tỉnh được thực hiện khảo sát.
Tiến sỹ Vương Ánh Dương, Trưởng phòng Quản lý chất lượng bệnh viện (Cục Quản lý Khám, chữa bệnh) cho biết, theo kết quả khảo sát, tỷ lệ mù lòa toàn quốc năm 2015 (1,8%) (đã hiệu chỉnh) giảm đáng kể so với năm 2007-2008 (3.1%) và với năm 2000-2002 (4.1%).
Tỷ lệ thị lực kém toàn quốc (đã hiệu chỉnh) giảm đáng kể từ 14.7% trong năm 2000 xuống 13.6% trong năm 2007 và xuống tới 11.4% trong năm 2015.
Tỷ lệ này giảm ở một vài tỉnh và tăng ở những tỉnh khác. Tuy nhiên, số lượng người trên 50 tuổi với thị lực kém cả hai mắt giảm đáng kể từ 1.583 triệu người trong năm 2000 xuống còn 1.570 triệu người trong năm 2007 và tăng lên tới 2.099 triệu người trong năm 2015.
Báo cáo cũng chỉ ra rằng, đục thể thủy tinh chưa phẫu thuật là nguyên nhân chính gây bệnh mù lòa có thể phòng tránh được và thị lực kém ở Việt Nam.
Ở một vài tỉnh, bệnh glocom và các bệnh bán phần sau khác là nguyên nhân thứ hai gây mù lòa. Ở một vài tỉnh khác, tật khúc xạ không được chỉnh kính là nguyên nhân thứ hai gây thị lực kém.
Các chuyên gia cũng đưa ra các khuyến nghị cần quan tâm đến nguyên nhân chính gây mù lòa là do đục thể thủy tinh chưa được phẫu thuật và thị lực kém; cần tăng tỷ lệ phẫu thuật đục thể thủy tinh từ 1.869 ca hiện nay lên ít nhất 4.000-5.000 ca mỗi năm; tăng số lượng các ca phẫu thuật thể thủy tinh hàng năm lên ít nhất 10%.
Bên cạnh mở rộng chỉ định thị lực cho phẫu thuật thể thủy tinh, cần điều tra các lý do gây thị lực kém sau phẫu thuật đục thể thủy tinh ở một số tỉnh và có những hành động thích hợp để cải thiện kết quả.
Cần cải thiện chất lượng và kết quả thị lực của phẫu thuật đục thể thủy tinh; khởi động các chiến dịch giáo dục sức khỏe ở các tỉnh hoặc trên toàn quốc để cộng đồng hiểu được những ưu điểm khi phẫu thuật đục thể thủy tinh kịp thời.
Ngoài ra, cần cải thiện các dịch vụ khúc xạ ở các tỉnh có tật khúc xạ không được chỉnh kính là nguyên nhân quan trọng gây thị lực kém./.