Đức tham gia vào dự án đánh chặn tên lửa siêu vượt âm của EU

Berlin đã thay đổi địa vị của mình từ một quan sát viên trở thành một thành viên tham gia chính thức vào dự án đánh chặn tên lửa siêu thanh của EU từ ngày 24/10.
Đức tham gia vào dự án đánh chặn tên lửa siêu vượt âm của EU ảnh 1Ảnh minh họa (Nguồn: Top War)

Người phát ngôn của Bộ Quốc phòng Đức xác nhận với Defense News rằng Đức đã tham gia vào dự án xây dựng hệ thống phòng không-phòng thủ tên lửa có tên gọi TWISTER do Liên minh châu Âu (EU) thiết lập, nhằm đánh chặn hệ thống tên lửa siêu vượt âm thế hệ mới, vì nó quá nhanh so với hệ thống phòng thủ hiện tại.

Người phát ngôn này cho biết Berlin đã thay đổi địa vị của mình từ một quan sát viên trở thành một thành viên tham gia chính thức vào dự án này từ ngày 24/10.

TWISTER bắt đầu được khởi xướng từ tháng 11/2019 với sự tham gia của Pháp, Hà Lan, Italia và Tây Ba Nha, đồng thời là một trong các dự án phát triển vũ khí tương lai của châu Âu nằm trong khuôn khổ chương trình Hợp tác cấu trúc thường trực về quốc phòng châu Âu – PESCO.

Theo nhà sản xuất tên lửa MBDA, dự án này nhằm mục đích triển khai một mạng lưới cảm biến cảnh báo sớm trên không gian và một hệ thống đánh chặn mối đe dọa di chuyển với vận tốc lớn hơn hơn Mach 5, ở độ cao lên đến 100 km, vào năm 2030.

[Cyprus, Hy Lạp và Ai Cập chuẩn bị cho tập trận chung Medusa 2020]

Trang mạng của MBDA đưa ra nhận định rằng việc phát triển "một hệ thống đánh chặn nội khí quyển sẽ giải quyết một loạt các mối đe dọa, bao gồm tên lửa đạn đạo cơ động tầm trung, tên lửa hành trình siêu vượt âm, tàu lượn siêu vượt âm, tên lửa chống hạm và các mục tiêu thông thường khác như máy bay chiến đấu thế hệ tiếp theo.

Người phát ngôn của Bộ Quốc phòng Đức cũng cho biết thêm rằng các mục tiêu của TWISTER là “phù hợp với lợi ích của Đức”, đồng thời nhấn mạnh các quan chức nước này hy vọng rằng các nỗ lực nghiên cứu bổ sung dưới sự bảo trợ của Chương trình Phát triển Công nghiệp Quốc phòng châu Âu có thể giúp thúc đẩy dự án./. 

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục