Đức, Tây Ban Nha thông qua kế hoạch thúc đẩy hợp tác song phương

Trong bối cảnh Tây Ban Nha nắm giữ cương vị Chủ tịch luân phiên Hội đồng Liên minh châu Âu vào nửa cuối năm 2023, mối quan hệ Đức-Tây Ban Nha có tầm quan trọng đặc biệt.
Lãnh đạo Đức, Tây Ban Nha. (Nguồn: lamoncloa.gob.es)

Chính phủ hai nước Đức và Tây Ban Nha ngày 5/10 đã tiến hành vòng tham vấn chính phủ lần thứ 25 và là lần đầu tiên sau 9 năm tại thành phố cảng A Coruna ở Tây Bắc Tây Ban Nha để thảo luận các biện pháp tăng cường hơn nữa quan hệ song phương.

Nội các của Thủ tướng Đức Olaf Scholz tới Tây Ban Nha lần này trên một máy bay quân sự với 8 bộ trưởng, trong đó có Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Kinh tế Robert Habeck, Bộ trưởng Tài chính Christian Lindner và Ngoại trưởng Annalena Baerbock.

[Pháp, Đức, Tây Ban Nha đạt thỏa thuận chung về phát triển tiêm kích]

Theo phóng viên TTXVN tại châu Âu, một tuyên bố chung được đưa ra sau vòng tham vấn giữa chính phủ Đức và chính phủ của Thủ tướng nước chủ nhà Pedro Sanchez nhấn mạnh sự kiện này là minh chứng cho sự gần gũi và hợp tác chặt chẽ giữa hai nước có các giá trị và mục tiêu chung, đồng thời là dấu hiệu chứng tỏ sự quyết tâm của chính phủ hai nước trong việc giải quyết các thách thức mà Liên minh châu Âu (EU) đang phải đối mặt.

Trong bối cảnh Tây Ban Nha nắm giữ cương vị Chủ tịch luân phiên Hội đồng Liên minh châu Âu vào nửa cuối năm 2023, mối quan hệ Đức-Tây Ban Nha có tầm quan trọng đặc biệt, trong đó hai nước cam kết thực hiện các sáng kiến và biện pháp để thúc đẩy khả năng hành động của EU cũng như hỗ trợ củng cố khả năng chống chịu của khối.

Nội các hai nước cũng thảo luận về cuộc chiến ở Ukraine, nhấn mạnh EU tiếp tục sát cánh cùng Ukraine, hỗ trợ toàn diện về kinh tế, quân sự, xã hội và tài chính cho nước này chừng nào còn cần thiết.

Hai nước nhấn mạnh tầm quan trọng của việc bảo vệ nền hoà bình và an ninh ở khu vực châu Âu-Đại Tây Dương, nhân quyền, nhà nước pháp quyền, nền dân chủ, chủ nghĩa đa phương và trật tự quốc tế dựa trên luật lệ.

Chính phủ hai nước nêu 3 trọng tâm bao gồm, cam kết đảm bảo tình hình kinh tế của người dân trong bối cảnh chiến tranh khiến mức sống và an ninh năng lượng bị đe doạ; đảm bảo vấn đề an ninh và quốc phòng; khuyến khích khả năng cải thiện cơ hội tương lai thông qua việc học tập liên tục và suốt đời để nâng cao cơ hội việc làm.

Chính phủ hai nước cũng thảo luận về vấn đề lạm phát, cuộc khủng hoảng năng lượng toàn cầu, chính sách khí hậu, cam kết hướng tới một EU độc lập hơn và mạnh mẽ hơn về địa chính trị, bao gồm cả khả năng mở rộng trong tương lai.

Trong lĩnh vực năng lượng, do cuộc khủng hoảng năng lượng hiện nay, Đức và Tây Ban Nha nhận thấy tầm quan trọng của việc cần nhanh chóng có các biện pháp tức thì để bảo vệ các hộ gia đình, các doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng như các ngành nghề then chốt.

Các biện pháp tiếp theo cũng cần được thực hiện nhằm đảm bảo nguồn cung năng lượng an toàn, giá cả phải chăng và bền vững trong toàn EU, trong đó chú trọng mở rộng các mạng lưới được kết nối cũng như sử dụng các nguồn năng lượng mới như hydro tái tạo và tích trữ năng lượng.

Chính phủ hai nước cũng nhất trí thông qua Kế hoạch Hành động chung, bao gồm các lĩnh vực từ giáo dục, nghiên cứu tới kinh tế, quốc phòng và an ninh.

Kế hoạch Hành động chung, đặt nền tảng mới cho quan hệ giữa Đức và Tây Ban Nha, không chỉ góp phần tăng cường quan hệ song phương mà còn hướng tới khuyến khích sự hợp tác và gắn kết trong toàn EU, trong NATO cũng như các tổ chức quốc tế như Liên hợp quốc và Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE).

Đáng chú ý trong văn kiện này là kế hoạch xây dựng Midcat - một đường ống khí đốt giữa Tây Ban Nha và Pháp qua vùng núi Pyrenees tới năm 2025.

Hệ thống đường ống này sau khi hoàn thiện cũng có thể dẫn khí hydro được sản xuất từ năng lượng tái tạo./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục