Đức tăng cường kiểm soát biên giới nhằm ngăn chặn dòng người di cư

Đức sẽ mở rộng kiểm soát biên giới sau một loạt vụ tấn công do các phần tử cực đoan tiến hành khiến dư luận Đức quan ngại và dẫn tới sự ủng hộ dành cho đảng cực hữu Sự lựa chọn vì nước Đức (AfD).

Cảnh sát kiểm tra người nhập cư tại khu vực Forst, gần biên giới Đức-Ba Lan hồi tháng 10 năm ngoái. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Cảnh sát kiểm tra người nhập cư tại khu vực Forst, gần biên giới Đức-Ba Lan hồi tháng 10 năm ngoái. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Từ ngày 16/9, Đức sẽ mở rộng kiểm soát biên giới đối với tất cả chín quốc gia láng giềng nhằm ngăn chặn dòng người di cư.

Bất chấp sự phản đối từ các thành viên khác trong Liên minh châu Âu (EU), động thái này được đưa ra sau một loạt vụ tấn công do các phần tử cực đoan tiến hành khiến dư luận Đức quan ngại và dẫn tới sự ủng hộ dành cho đảng cực hữu Sự lựa chọn vì nước Đức (AfD).

Trong một tuyên bố đưa ra ngày 15/9, Bộ trưởng Nội vụ Đức cho biết theo kế hoạch ban đầu, biện pháp kiểm soát biên giới sẽ được áp dụng trong sáu tháng.

Nhà chức trách sẽ thiết lập các trạm kiểm soát tạm thời tại các cửa khẩu đường bộ và kiểm tra tại chỗ.

Bà Faeser nêu rõ biện pháp này nhằm hạn chế tình trạng di cư và ngăn chặn sớm các phần tử Hồi giáo cực đoan. Bộ Nội vụ Đức lưu ý du khách cần mang theo giấy tờ tùy thân khi qua biên giới.

Hai quốc gia láng giềng là Ba Lan và Áo đã bày tỏ quan ngại trước quyết định trên của Đức. Ủy ban châu Âu cũng cảnh báo các quốc gia thành viên EU chỉ được áp dụng các biện pháp như vậy trong những trường hợp đặc biệt.

Năm ngoái, để ứng phó với sự gia tăng đột biến số đơn xin tị nạn lần đầu, Đức đã áp đặt một số biện pháp kiểm soát nghiêm ngặt hơn tại biên giới nước này với Ba Lan, Cộng hòa Séc và Thụy Sĩ.

Theo kế hoạch trên, các biện pháp này sẽ được mở rộng sang các quốc gia láng giềng khác, gồm Pháp, Luxembourg, Hà Lan, Bỉ và Đan Mạch.

Chính phủ của Thủ tướng Olaf Scholz đã phải đối mặt với áp lực ngày càng tăng trong việc hạn chế số lượng người di cư và trấn áp những phần tử cực đoan sau một số vụ tấn công nghi là do người Hồi giáo thực hiện.

Tháng trước, đã có ba người thiệt mạng và tám người bị thương trong vụ tấn công bằng dao ở thành phố Solingen, phía Tây nước Đức, trong đó nghi phạm người Syria bị cáo buộc có quan hệ với tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục