Đức sửa đổi dự luật về đoàn tụ gia đình cho người tị nạn

Chính phủ Đức vừa thông qua dự luật về chính sách đoàn tụ gia đình cho những người tị nạn sau khi vượt qua cuộc bỏ phiếu nội bộ của Chính phủ liên bang.
Đức sửa đổi dự luật về đoàn tụ gia đình cho người tị nạn ảnh 1Người tị nạn tại Đức. (Nguồn: The Hurriyet Daily News)

Phóng viên TTXVN tại Berlin đưa tin ngày 15/4, Chánh Văn phòng Thủ tướng liên bang Đức, ông Helge Braun phát biểu trên tờ Tagesspiegel rằng, dự luật về chính sách đoàn tụ gia đình cho những người tị nạn được Bộ trưởng Nội vụ Liên bang Horst Seehofer soạn thảo cần được sửa đổi một lần nữa. Theo ông Braun, dự luật trên đã được đưa ra trong cuộc bỏ phiếu nội bộ của Chính phủ liên bang, tuy nhiên, các tiêu chí của dự luật này vẫn chưa rõ ràng. Dự luật này sẽ chỉ được thông qua nếu có được sự đồng thuận trong nội các.

Trước đó, Bộ trưởng Nội vụ liên bang Seehofer đã xây dựng dự luật về chính sách đoàn tụ gia đình cho những người tị nạn với nhiều điểm hạn chế. Theo đó, việc đoàn tụ gia đình với người tị nạn có thể bị từ chối nếu người thân của họ ở Đức nhận được các phúc lợi xã hội như trợ cấp xã hội đối với người tị nạn (Hartz IV). Điều đó có nghĩa rằng, Đức không cho phép có sự đoàn tụ gia đình với người nhận Hartz IV. Dự luật của Bộ trưởng Nội vụ liên bang đã vấp phải sự chỉ trích mạnh mẽ từ Đảng Dân chủ xã hội (SPD) và các tổ chức tị nạn bởi họ cho rằng, các tiêu chí để người tị nạn có thể đoàn tụ gia đình quá nghiêm ngặt.

[Cảnh sát Đức đột kích bắt giữ 3 đối tượng tình nghi người Syria]

Trước đó ngày 1/2, Quốc hội Liên bang Đức đã bỏ phiếu nhất trí thông qua dự luật về chính sách đoàn tụ gia đình cho những người tị nạn. Với 376 phiếu thuận và 248 phiếu chống, Quốc hội Đức đã đồng ý dỡ bỏ quyết định đình chỉ việc đoàn tụ gia đình đối với những người chưa được nhận quy chế tị nạn đầy đủ. Theo luật mới, kể từ ngày 1/8 tới, mỗi tháng sẽ có tối đa 1.000 người di cư được phép định cư tại Đức với điều kiện họ có quan hệ họ hàng trực tiếp với những người tị nạn đang sống và làm việc tại đây.

Mặc dù được Quốc hội thông qua, song theo nhận định của giới phân tích, chi tiết của dự luật này vẫn cần phải được bổ sung thêm. Chẳng hạn, dự luật này vẫn còn có điều chưa rõ về việc Đức sẽ lựa chọn thế nào đối với 1.000 người di cư được phép tới Đức./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục