Đức sẵn sàng ủng hộ lệnh cấm vận của EU đối với dầu mỏ Nga

Các bộ trưởng năng lượng của EU sẽ gặp nhau tại Brussels (Bỉ) trong ngày 2/5 để thảo luận về cách đối phó với quyết định của Nga ngừng cung cấp khí đốt cho Ba Lan và Bulgaria.
Đức sẵn sàng ủng hộ lệnh cấm vận của EU đối với dầu mỏ Nga ảnh 1Một trạm xăng ở Essen, Đức. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock tuyên bố Berlin sẵn sàng ủng hộ lệnh cấm vận từng bước của toàn Liên minh châu Âu (EU) đối với dầu mỏ nhập khẩu từ Nga.

Phát biểu với kênh truyền hình ARD của Đức ngày 1/5, bà Baerbock nói: “Chúng tôi đang chuẩn bị điều này theo cách để chúng tôi có thể duy trì nếu cần thiết trong những năm tới."

Tuyên bố trên được đưa ra sau khi Bộ trưởng Kinh tế và Khí hậu Robert Habeck, cũng là đồng minh của bà Baerbock trong đảng Xanh, bày tỏ hy vọng Đức có thể hoàn toàn độc lập với dầu nhập khẩu của Nga vào cuối mùa Hè.

Trong tuyên bố, ông Habeck cho biết nguồn cung từ Nga hiện chỉ chiếm 12% tổng lượng nhập khẩu dầu mỏ của Đức, giảm 23% so với trước đây. Trong khi đó, than đá từ Nga cũng giảm 8% so với mức 45% mà Đức nhập khẩu trước đây.

[Liên minh châu Âu cân nhắc đợt trừng phạt mới đối với Nga]

Trong khi đó, tình trạng phụ thuộc vào khí đốt vẫn lớn, song nền kinh tế lớn nhất châu Âu cũng đã giảm lượng nhập khẩu mặt hàng này của Nga, từ mức 55% trước khi Moskva phát động chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine xuống còn 35%.

Trước đó, Ukraine và một số quốc gia, đặc biệt là các nước khu vực Baltic, đã giảm nhập khẩu năng lượng từ Nga và gây áp lực buộc Đức phải làm điều tương tự.

Theo kế hoach, các bộ trưởng năng lượng của EU sẽ gặp nhau tại Brussels (Bỉ) trong ngày 2/5 để thảo luận về cách đối phó với quyết định của Nga ngừng cung cấp khí đốt cho Ba Lan và Bulgaria.

EU đang chuẩn bị gói trừng phạt thứ 6 nhằm vào Moskva - bao gồm lĩnh vực dầu mỏ của Nga, các ngân hàng Nga và Belarus, cũng như thêm nhiều cá nhân và doanh nghiệp liên quan.

Giới chức ngoại giao EU cho rằng một số quốc gia thành viên có khả năng chấm dứt sử dụng dầu mỏ nhập khẩu từ Nga muộn nhất là vào cuối năm nay, nhưng các nước khác, đặc biệt là các quốc gia nằm ở khu vực Nam Âu, lo ngại về tác động của lệnh cấm vận đối với giá năng lượng./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục