Ba tập đoàn hàng không quốc phòng châu Âu đã đề nghị chính phủ Đức, Pháp và Italy chấp thuận chương trình phát triển hệ thống máy bay không người lái riêng của châu Âu.
Đề nghị này hiện đã được gửi tới Bộ trưởng Quốc phòng Đức Ursula von der Leyen.
Báo Thế giới (die Welt) của Đức ngày 18/5 cho biết ba tập đoàn gồm Airbus Defence & Space (liên doanh giữa Đức-Pháp), Dassault Aviation (Pháp) và Alenia Aermacchi (Italy) đã đề xuất phát triển một chương trình máy bay không người lái có tên "MALE 2020," với hy vọng sẽ sớm nhận được sự chấp thuận của chính phủ ba nước Đức, Pháp và Italy để triển khai dự án này.
Nếu được chấp thuận, đại diện bộ quốc phòng, lực lượng vũ trang và các tập đoàn quốc phòng ba nước sẽ thảo luận chi tiết kế hoạch, trong đó có vấn đề tài chính và vũ trang, nhằm sản xuất các máy bay không người lái bay ở tầm trung hoạt động đường dài.
Kế hoạch này được đưa ra sau khi các tập đoàn quốc phòng Đức, Pháp và Italy cho rằng châu Âu không nên chỉ phụ thuộc vào các sản phẩm của những tập đoàn nước ngoài trong lĩnh vực quân sự hàng không vốn mang tính chiến lược.
Việc phát triển "hệ thống bay không người lái" được coi là lĩnh vực đạt tăng trưởng nhanh nhất trong ngành hàng không.
Theo một cuộc nghiên cứu thị trường năm 2013, chi phí cho các máy bay không người lái trong 10 năm tới sẽ tăng gấp đôi, từ 3,8 tỷ euro hiện nay lên 8,5 tỷ euro.
Chính phủ liên minh khi thành lập ở Đức cuối năm ngoái cũng đã xác định sự cần thiết phải có máy bay không người lái, trong khi Hội đồng châu Âu coi việc phát triển máy bay không người lái MALE là "khả năng then chốt cho nền quốc phòng châu Âu."
Máy bay không người lái không chỉ được sử dụng cho các chiến dịch quân sự mà còn được sử dụng cho mục đích dân sự như cứu người, quan sát núi lửa, vận chuyển hàng khẩn cấp....
Thậm chí, tập đoàn Facebook mới đây còn cho biết sẽ sử dụng máy bay không người lái "Titan Aerospace" của Mỹ làm trạm thu phát tín hiệu và sóng di động trên không, cho phép kết nối Internet ở cả các vùng sâu, vùng xa. Facebook sẽ cần tới 11.000 máy bay không người lái cho kế hoạch này và trước mắt sẽ triển khai ở châu Phi./.