Chính phủ Đức khẳng định việc tìm kiếm phương án khác thay thế cho thỏa thuận nhằm hạn chế dòng người tị nạn giữa Liên minh châu Âu (EU) và Thổ Nhĩ Kỳ là không cần thiết.
Tuyên bố này được đưa ra sau khi Thổ Nhĩ Kỳ đe dọa rút khỏi thỏa thuận này.
Trả lời phỏng vấn tờ Berliner Zeitung (Nhật báo Berlin) ngày 5/8, Chánh Văn phòng Nội các kiêm Điều phối viên về chính sách di cư và tị nạn của Chính phủ Đức, ông Peter Altmaier, khẳng định không có lý do để phải lên kế hoạch B cho vấn đề nói trên.
Ông nhấn mạnh vụ đảo chính bất thành tại Thổ Nhĩ Kỳ mới đây không ảnh hưởng tiêu cực tới thỏa thuận giữa Brussels và Ankara.
Chính trị gia đảng Liên minh Dân chủ cơ đốc giáo (CDU) cũng cho biết Đức không thấy có trường hợp nào được Thổ Nhĩ Kỳ tiếp nhận hoặc bị đưa trở lại nước này lại bị ngược đãi.
Những phát biểu trên của ông Altmaier được đưa ra khi đang xuất hiện nhiều ý kiến hoài nghi về Thỏa thuận EU-Thổ Nhĩ Kỳ trong liên minh cầm quyền ở Đức.
Theo Ủy viên Nhân quyền Chính phủ Đức Bärbel Kofler, đồng thời là thành viên đảng Dân chủ Xã hội (SPD), cần phải xem xét lại thỏa thuận với lý do Thổ Nhĩ Kỳ hiện không tôn trọng các nguyên tắc của một nhà nước pháp quyền.
Trước đó, Ankara cảnh báo sẽ hủy bỏ thỏa thuận với EU nếu liên minh này không miễn thị thực cho công dân Thổ Nhĩ Kỳ chậm nhất vào tháng 10 tới.
Để có thể xóa bỏ thị thực vào EU, châu Âu yêu cầu Ankara phải đáp ứng tất cả 72 tiêu chí như đã thỏa thuận, trong đó có sửa đổi luật chống khủng bố.
Theo thỏa thuận giữa Thổ Nhĩ Kỳ và EU, Ankara sẽ tiếp nhận lại những người di cư không đủ điều kiện tị nạn ở châu Âu. Đổi lại, EU hỗ trợ tài chính, miễn thị thực nhập cảnh cho công dân Thổ Nhĩ Kỳ và tiếp nhận những người tị nạn Syria từ Thổ Nhĩ Kỳ theo cơ chế “một đổi một.”
Tuy nhiên, mối quan hệ giữa EU và Thổ Nhĩ Kỳ đã bị sứt mẻ liên quan việc các nhà lãnh đạo châu Âu chỉ trích chính quyền Ankara “thanh lọc” hơn 60.000 người gồm các tướng lĩnh, binh sỹ, cảnh sát, thẩm phán, công tố viên và nhân viên nhà nước sau vụ đảo chính bất thành hôm 15/7 vừa qua./.