Trong bối cảnh Đức đang mạnh mẽ thực hiện quá trình chuyển đổi năng lượng sang các nguồn năng lượng sạch và bền vững, chính phủ nước này tiếp tục thúc đẩy hơn nữa các cơ hội hợp tác với các đối tác, trong đó có hợp tác với các quốc gia khu vực Biển Baltic.
Tại cuộc họp của Ngoại trưởng các quốc gia thuộc Hội đồng Biển Baltic đang diễn ra trong 2 ngày 24-25/5 tại Na Uy, Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock tích cực thúc đẩy hơn nữa hợp tác trong việc sản xuất điện gió ngoài khơi khu vực Biển Baltic.
Theo Ngoại trưởng Baerbork, việc loại bỏ nhiên liệu hóa thạch không chỉ là nhu cầu thiết yếu trong chính sách khí hậu của Đức mà còn là yêu cầu cấp thiết trong chính sách an ninh. Việc đẩy mạnh phát triển năng lượng gió và các nguồn năng lượng tái tạo khác sẽ giúp Đức nhanh chóng thoát khỏi các nguồn năng lượng hóa thạch từ Nga và góp phần hạn chế sự gia tăng nhiệt độ toàn cầu.
Cùng với việc phát triển điện gió trên đất liền và điện Mặt Trời, điện gió ngoài khơi là một trụ cột trong việc tăng cường phát triển năng lượng xanh ở Đức.
Trong thỏa thuận liên minh, chính phủ "Đèn giao thông" của Đức (gồm đảng Dân chủ xã hội SPD, đảng Xanh và đảng Dân chủ tự do FDP) đã xác định rõ các mục tiêu phát triển năng lượng gió ngoài khơi, theo đó tới năm 2030 sẽ đạt sản lượng 30 GW điện gió ngoài khơi, tới năm 2035 là 40 GW và năm 2045 đạt 70 GW.
Đức đang có 1.501 tuabin gió hoạt động ở Biển Bắc và Biển Baltic, với sản lượng điện đạt gần 7,8 GW.
[Chính phủ Đức muốn theo đuổi các dự án khí đốt với Senegal]
Ngoài các cuộc thảo luận đa phương trong khuôn khổ cuộc họp Ngoại trưởng Hội đồng Biển Baltic, Ngoại trưởng Baerbock cũng có các cuộc đàm phán song phương với người đồng cấp Na Uy Anniken Huitfeldt về vấn đề này. Na Uy là nhà cung cấp năng lượng quan trọng thứ hai của Đức sau Nga.
Tính đến tháng 3, hơn 30% khí đốt tự nhiên và khoảng 7% dầu mỏ nhập khẩu của Đức đến từ Na Uy. Đức chính là khách hàng lớn nhất của Na Uy về khí đốt tự nhiên. Dự án kết nối lưới điện đầu tiên giữa Na Uy và Đức (dự án Nordlink, đi vào hoạt động từ tháng 4/2021) cũng đóng vai trò quan trọng trong quá trình chuyển đổi năng lượng của Đức.
Hội đồng các quốc gia Biển Baltic được thành lập năm 1992 bao gồm Đức, Na Uy, Đan Mạch, Estonia, Phần Lan, Litva, Latvia, Ba Lan, Thụy Điển, Iceland, Liên minh châu Âu (EU) và Nga.
Tuy nhiên, do cuộc xung đột tại Ukraine, tư cách thành viên của Nga đã bị đình chỉ từ tháng 3. Từ ngày 1/7 tới, Đức sẽ đảm nhiệm chức vụ Chủ tịch Hội đồng trong thời gian 1 năm.
Theo kế hoạch của Berlin, trong nhiệm kỳ Chủ tịch Hội đồng, Đức sẽ thúc đẩy hợp tác và mở rộng liên kết hơn nữa giữa các quốc gia khu vực Biển Baltic trong lĩnh vực năng lượng, đặc biệt là năng lượng gió ngoài khơi cũng như mở rộng cơ sở hạ tầng năng lượng trong khu vực./.