Theo thống kê của Viện nghiên cứu thị trường (GfK), niềm tin của người tiêu dùng Đức có thể sẽ giảm trong tháng 9/2023.
Phóng viên TTXVN tại Berlin dẫn báo cáo tháng của GfK cho biết niềm tin người tiêu dùng sẽ giảm 0,9 điểm xuống âm 25,5 điểm trong tháng 9, sau khi ghi nhận mức tăng nhẹ trong tháng 8 so với tháng 7/2023.
Nhà nghiên cứu Rolf Burkl thuộc GfK nhận định: “Môi trường tiêu dùng hiện không có xu hướng rõ ràng, không tăng cũng không giảm, trong khi nhìn chung ở mức rất thấp.”
Ông Burkl nói: “Cơ hội để tâm trạng người tiêu dùng có thể phục hồi bền vững trong năm nay đang ngày càng thu hẹp lại.”
Tỷ lệ lạm phát cao dai dẳng, đặc biệt đối với các mặt hàng thực phẩm và nhiên liệu, càng khẳng định rằng niềm tin của người tiêu dùng không được cải thiện vào thời điểm hiện tại.
[Chỉ số niềm tin kinh doanh của Đức giảm liên tiếp trong 4 tháng]
Thống kê của GfK cho thấy tình trạng bất thường xảy ra kể từ mùa Hè năm 2022, trong bối cảnh lạm phát gia tăng, hậu quả của đại dịch COVID-19 và cuộc xung đột Nga-Ukraine.
Đây cũng là khoảng thời gian giá năng lượng tăng lên mức đỉnh điểm. Chỉ số niềm tin người tiêu dùng ở mức âm 27,4 điểm trong tháng 7/2022 là mức thấp nhất mọi thời đại. Dù lạm phát đã bắt đầu giảm nhưng vẫn cao hơn nhiều so với mục tiêu 2% do Liên minh châu Âu (EU) đặt ra cho các nước thành viên.
Những áp lực này đi đôi với việc lãi suất tăng ở Đức, cũng như nhiều nền kinh tế lớn khác, khi các ngân hàng trung ương cố gắng kiềm chế lạm phát bằng cách không khuyến khích vay mượn và chi tiêu.
Cuộc khảo sát của GfK cũng cho thấy dự báo về lương của người dân và kỳ vọng của họ đối với tăng trưởng kinh tế tổng thể đang giảm xuống.
Theo các số liệu thống kê, tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Đức đã giảm trong quý cuối cùng của năm 2022 và quý đầu tiên của năm 2023, trước khi quay trở lại mức “đi ngang” trong quý thứ 2.
Kinh tế Đức có thể ghi nhận mức tăng trưởng âm trong năm 2023, mặc dù chính phủ dự đoán mức tăng trưởng cận biên trong năm nay.
Chính phủ Đức hiện đang nghiên cứu một gói các biện pháp nhằm khuyến khích nhiều hoạt động kinh tế hơn với hy vọng tạo ra bước đột phá. Tuy nhiên, một số chính sách đang gây tranh cãi, đáng chú ý nhất là trợ cấp điện cho ngành công nghiệp nặng./.