Đức nhấn mạnh mục tiêu chi 2% GDP cho quốc phòng trong dài hạn

Bộ trưởng Quốc phòng Đức Christine Lambrecht nhấn mạnh cần đề phòng viễn cảnh trong vài năm tới sẽ không có đủ năng lực tài chính để thực hiện công tác bảo trì những thiết bị được mua từ bây giờ.
Đức nhấn mạnh mục tiêu chi 2% GDP cho quốc phòng trong dài hạn ảnh 1Bộ trưởng Quốc phòng Đức Christine Lambrecht. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Ngày 12/9, Bộ trưởng Quốc phòng Đức Christine Lambrecht khẳng định nước này phải đạt mục tiêu chi tiêu quốc phòng chiếm 2% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) trong dài hạn, kể cả sau khi nguồn quỹ quốc phòng đặc biệt trị giá 100 tỷ euro (101 tỷ USD) hiện nay được sử dụng hết.

Cụ thể, trong bài phát biểu đề ra các mục tiêu chính sách, Bộ trưởng Quốc phòng Đức Christine Lambrecht nhấn mạnh trong tương lai, nước này sẽ phải tăng khoản dự chi ngân sách quốc phòng để phục vụ các hoạt động trong lĩnh vực này.

Bà Christine Lambrecht cho rằng chi 2% GDP cho quốc phòng là điều cần thiết. Đức cần nguồn ngân sách này trong dài hạn để việc chi 100 tỷ euro hiện nay thực sự phát huy hiệu quả, không lãng phí.

Theo bà Lambrecht, cần đề phòng viễn cảnh trong vài năm tới sẽ không có đủ năng lực tài chính để thực hiện công tác bảo trì những thiết bị được mua từ bây giờ.

[Đức dự kiến mua hàng chục trực thăng vận tải hạng nặng của Boeing]

Nguồn quỹ 100 tỷ euro được Thủ tướng Đức Olaf Scholz công bố trước đó nhằm hiện đại hóa các vũ khí và thiết bị của Lục quân Đức sau nhiều thập kỷ hao mòn.

Mức chi này cũng đã vượt chỉ tiêu 2% GDP theo yêu cầu chung của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đề ra cho các nước thành viên.

Trước đây, các nước đồng minh thuộc NATO đã chỉ trích Đức vì không đạt mục tiêu chi 2% GDP cho quốc phòng.

Hiện, chưa rõ liệu Đức có tiếp tục duy trì mức chi tiêu trên 2% GDP sau khi số tiền trên được sử dụng hết hay không.

Ngoài ra, trong phát biểu mới, bà Christine Lambrecht cho rằng nước Đức nên sẵn sàng đảm nhận vai trò đi đầu về quốc phòng dù trước đây Berlin luôn né tránh điều này.

Theo bà, với quy mô đất nước, vị trí địa lý và sức mạnh kinh tế như hiện nay, Đức phải đảm nhận vai trò đi đầu, trong đó có lĩnh vực quân sự.

Bà cũng kêu gọi nới lỏng các quy định xuất khẩu quốc phòng hiện đang rất nghiêm ngặt để các doanh nghiệp quốc phòng Đức có điều kiện tham gia các dự án chung của Liên minh châu Âu (EU)./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục