Đức năm thứ 3 đạt thặng dư tài khoản vãng lai lớn nhất thế giới

Số liệu công bố ngày 19/2 của viện Ifo cho thấy năm 2018, năm thứ 3 liên tiếp, Đức ghi nhận mức thặng dư tài khoản vãng lai lớn nhất thế giới nhờ xuất khẩu tăng mạnh.
Đức năm thứ 3 đạt thặng dư tài khoản vãng lai lớn nhất thế giới ảnh 1(Nguồn: Forexlive)

Số liệu công bố ngày 19/2 của viện Ifo cho thấy năm 2018, năm thứ 3 liên tiếp, Đức ghi nhận mức thặng dư tài khoản vãng lai lớn nhất thế giới nhờ xuất khẩu tăng mạnh.

Theo Ifo, mức thặng dư tài khoản vãng lai của Đức năm ngoái đạt 294 tỷ USD, tiếp đến là Nhật Bản với 173 tỷ USD trong khi Nga xếp ở vị trí thứ ba với 116 tỷ USD.

Tuy nhiên, so với quy mô kinh tế, thặng dư tài khoản vãng lai của Đức trong năm 2018 đã giảm năm thứ ba liên tiếp xuống 7,4% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP), so với mức 7,9% GDP năm 2017.

Kể từ năm 2011, cán cân tài khoản vãng lai của Đức liên tục vượt ngưỡng khuyến nghị 6% GDP của EC và thặng dư tài khoản vãng lai của nước này từng ghi nhận mức kỷ lục 8,9% GDP năm 2015.

[Kinh tế Đức tránh được suy thoái kỹ thuật trong 6 tháng cuối năm 2018]

Ủy ban châu Âu (EC) chính thức xác nhận sự mất cân đối kinh tế vĩ mô của Đức lần đầu tiên vào năm 2014 và từ đó đến nay năm nào cũng nhắc lại vấn đề này.

Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Ủy ban châu Âu (EC) trong nhiều năm kêu gọi Đức nỗ lực nhiều hơn để tăng nhu cầu tiêu dùng trong nước, như một biện pháp để thúc đẩy nhập khẩu, kích thích tăng trưởng ở những thị trường khác và giảm tình trạng mất cân bằng kinh tế.

Trong các khuyến nghị của mình, EC cho rằng Đức nên tận dụng thặng dư ngân sách để thúc đẩy đầu tư công và tạo điều kiện thuận lợi cho tăng trưởng tiền lương cao hơn. IMF cũng đưa ra các khuyến nghị tương tự.

Trong khi đó, Chính phủ Đức luôn khẳng định các chính sách tài khóa và kinh tế của nước này không được xây dựng để tác động đến thặng dư tài khoản vãng lai.

Tuy nhiên, Chính phủ Đức đã quyết định chi một khoản lớn từ thặng dư ngân sách trong 3 năm tới cho các chương trình chăm sóc sức khỏe, giảm thuế và giảm đóng góp của người dân vào hệ thống y tế công cộng, cũng như tăng cường nhiều biện pháp khác nhằm hỗ trợ chi tiêu hộ gia đình./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục