Đức, Mỹ đạt được đồng thuận về dự án Dòng chảy phương Bắc 2

Đức cam kết thực hiện các biện pháp, kể cả trừng phạt, nếu Nga "tìm cách sử dụng năng lượng như một vũ khí hoặc thực hiện các hành động gây hấn hơn nữa đối với Ukraine."
Công trình xây dựng dự án Dòng chảy phương Bắc 2 tại Lubmin, Đức ngày 26/3/2019. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Ngày 21/7, sau nhiều năm tranh cãi, Đức và Mỹ cuối cùng đã đạt được bước đột phá trong bất đồng về dự án đường ống Dòng chảy phương Bắc 2 (Nord Stream 2) đưa khí đốt từ Nga qua biển Baltic tới Đức.

Hiện Berlin cũng đã xác nhận việc hai bên đạt bước đột phá này.

Theo phóng viên TTXVN tại Berlin, việc Đức và Mỹ đạt được một thoả thuận liên quan cũng đã được Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Victoria Nuland xác nhận khi bà điều trần trước Thượng viện Mỹ và điều này cũng sẽ giúp tạo điều kiện thuận lợi cho sự tái khởi động quan hệ Đức-Mỹ sau những năm khó khăn dưới thời cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump.

Cũng theo nhà ngoại giao Mỹ, trong thỏa thuận đạt được, Đức cam kết thực hiện các biện pháp, kể cả trừng phạt, nếu Nga "tìm cách sử dụng năng lượng như một vũ khí hoặc thực hiện các hành động gây hấn hơn nữa đối với Ukraine."

Ngoài ra, Đức và Mỹ cũng nhất trí hỗ trợ gia hạn thỏa thuận vận chuyển khí đốt qua Ukraine, theo kế hoạch hết hiệu lực vào năm 2024, kéo dài thêm 10 năm nữa.

[Mỹ thừa nhận không thể ngăn cản dự án Dòng chảy phương Bắc 2]

Bên cạnh đó, hai bên cũng thống nhất sẽ nỗ lực để giảm thiểu sự phụ thuộc của Ukraine vào khí đốt của Nga cũng như doanh thu trung chuyển khí đốt. 

Thông tin từ Berlin cho biết, Mỹ sẽ không áp đặt thêm bất kỳ biện pháp trừng phạt nào đối với dự án Dòng chảy phương Bắc 2 và trong trường hợp Nga sử dụng năng lượng như một "vũ khí chính trị," Đức cam kết thực hiện các biện pháp riêng, đồng thời hướng tới các biện pháp ở cấp độ Liên minh châu Âu về việc trừng phạt Moskva trong lĩnh vực năng lượng hoặc các lĩnh vực kinh tế khác.

Trong thoả thuận, Đức và Mỹ cũng nhất trí thành lập một "Quỹ xanh Ukraine" với nguồn tài trợ khởi nghiệp là 150 triệu euro từ Đức.

Mục đích là để đạt được hiệu ứng đòn bẩy với sự tham gia của các nhà đầu tư tư nhân với tổng trị giá 1 tỷ USD. Quỹ này cũng liên quan tới các dự án hydro, hiệu quả năng lượng và năng lượng tái tạo nhằm giúp Ukraine ít phụ thuộc hơn vào khí đốt của Nga.

Đức cũng đã cam kết hỗ trợ về kỹ thuật trong việc kết nối mạng lưới điện Ukraine vào hệ thống lưới điện của châu Âu.

Trong một phản ứng đầu tiên về thông tin trên, Văn phòng Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky nhấn mạnh rằng quyết định về dự án không thể được đưa ra "sau lưng của các bên thực sự bị dự án đe dọa."

Trong khi đó từ Nga, quan chức Ủy ban Đối ngoại của Hội đồng Liên bang (Thượng viện) Nga, Vladimir Jabbarov, cho biết việc Đức và Mỹ đạt được thoả thuận mở ra cơ hội hoàn tất việc xây dựng dự án Dòng chảy phương Bắc 2 để sớm đưa vào vận hành.

Ông cũng nêu điều kiện để có thể gia hạn thỏa thuận quá cảnh khí đốt qua Ukraine, đó là việc Kiev nên chứng tỏ là một "đối tác mang tính xây dựng."

Trước đó, Chính phủ Đức tối 21/7 thông báo Thủ tướng nước này Angela Merkel đã có cuộc điện đàm với Tổng thống Nga Vladimir Putin để thảo luận về một số vấn đề, trong đó có dự án Dòng chảy phương Bắc 2./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục