Đức muốn đàm phán với Mỹ để hoàn thiện dự án Dòng chảy phương Bắc 2

Chủ tịch Ủy ban Kinh tế phương Đông của Đức, việc Mỹ áp đặt lệnh trừng phạt vào dự án Dòng chảy phương Bắc 2 đang gây căng thẳng cho sự khởi đầu mới trong quan hệ xuyên Đại Tây Dương.
Đức muốn đàm phán với Mỹ để hoàn thiện dự án Dòng chảy phương Bắc 2 ảnh 1Công trình lắp đặt đường ống trong dự án Dòng chảy phương Bắc 2 tại Lubmin, miền Đông Bắc Đức. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Theo phóng viên TTXVN tại Berlin, Ủy ban Kinh tế phương Đông của Đức (OA) ngày 19/1 đã lên tiếng chỉ trích các lệnh trừng phạt mà Tổng thống Mỹ Donald Trump trong những ngày cuối nhiệm kỳ đã áp đặt nhằm vào dự án Dòng chảy phương Bắc 2 dẫn khí đốt trực tiếp từ Nga tới Đức.

Theo Chủ tịch OA Oliver Hermes, việc áp đặt trừng phạt nêu trên, cùng nhiều vấn đề khác, đang gây căng thẳng cho sự khởi đầu mới trong quan hệ xuyên Đại Tây Dương.

Tuy nhiên, ông Hermes bày tỏ tin tưởng với chính quyền mới của Mỹ, Chính phủ liên bang Đức sẽ tìm được giải pháp giúp nhanh chóng hoàn tất và đưa vào vận hành dự án.

Người đứng đầu OA cũng cho rằng Liên minh châu Âu (EU) đã đủ "trưởng thành" để có thể hoạch định chính sách năng lượng riêng cũng như để bảo vệ một dự án đầu tư đã được cấp phép như Dòng chảy phương Bắc 2 trước những ảnh hưởng từ bên ngoài.

Ông hoan nghênh việc Ủy ban châu Âu trong tuần này sẽ đưa ra gói biện pháp nhằm bảo vệ tốt hơn các công ty châu Âu khỏi các lệnh trừng phạt ngoài lãnh thổ trong tương lai.

[Mỹ áp lệnh trừng phạt liên quan Dự án Dòng chảy phương Bắc 2]

Hiện 24/27 quốc gia EU đã lên tiếng phản đối các biện pháp trừng phạt của Mỹ với những tác động vượt ngoài lãnh thổ. Tuyên bố trên của người đứng đầu OA được đưa ra sau khi Bộ Kinh tế liên bang Đức xác nhận các biện pháp trừng phạt của Mỹ được đưa ra nhằm vào KVT-RUS - công ty chủ sở hữu tàu chuyên dụng "Fortuna" của Nga vốn tham gia lắp đặt đường ống cho dự án.

Bộ Ngoại giao Mỹ cùng ngày 19/1 cũng xác nhận thông tin chính thức áp đặt trừng phạt công ty này.

Ngoại trưởng Đức Heiko Maas trước đó cũng tuyên bố Berlin mong muốn sớm thảo luận với chính quyền mới của Mỹ về dự án khí đốt này, trong khi Điện Kremlin ngày 19/1 bày tỏ lấy làm tiếc về hành động gây sức ép "bất hợp pháp" của Washington đối với dự án, đồng thời bày tỏ quyết tâm tiếp tục hoàn thiện dự án bất chấp lệnh trừng phạt.

Theo tờ Bild của Đức, trước sức ép của Mỹ, tập đoàn xây dựng và dịch vụ công nghiệp Bilfinger đã phải rút khỏi dự án, trong khi tập đoàn năng lượng Uniper vẫn tin dự án sẽ được hoàn thành.

Dự án Dòng chảy phương Bắc ban đầu dự kiến sẽ được đưa vào vận hành đầu năm 2020, được cho là sẽ tăng gấp đôi công suất vận chuyển khí đốt của Nga so với Dòng chảy phương Bắc 1 (Nord Stream 1), hoạt động từ năm 2012 và đảm bảo nguồn cung cấp cho các nước Tây Âu thông qua biển Baltic.

Tuy nhiên, vào năm 2019, Mỹ đã áp đặt trừng phạt các công ty tham gia 2 dự án trên./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục