Trong ngày 23/2, vận động viên Nguyễn Đức Mạnh của đoàn thể thao Việt Nam đã tham gia tranh tài ở nội dung 10km trượt tuyết băng đồng. Các vận động viên thi đấu nội dung này sẽ phải trượt 2 vòng, mỗi vòng có độ dài 5km.
Đức Mạnh thi đấu với chiếc áo số 1. Bài thi của anh gặp trục trặc ngay từ trước khi xuất phát, bởi dụng cụ và thanh trượt mà đoàn thể thao Việt Nam mang tới Nhật Bản không phù hợp với nội dung trượt tuyết băng đồng.
Để giúp vận động viên Việt Nam có thể tham gia một cách tốt nhất, hai đội bạn là Nhật Bản và Kazakhstan đã tạm giải cứu bằng cách mài thanh trượt của Đức Mạnh sao cho có đủ độ bám cần thiết và tạo độ ma sát với tuyết.
Bước vào thi đấu, do Ban tổ chức thay đổi luật nên Đức Mạnh là vận động viên thi đấu đầu tiên (chứ không phải thi đấu sau cùng như đã định lúc ban đầu). Đây là 1 thử thách khó khăn cho vận động viên của Việt Nam.
Theo Huấn luyện viên Lê Quân, nếu xuất phát sau, cũng giống như môn đua xe đạp, các vận động viên sẽ có động lực hơn, nhìn thấy mục tiêu nên dễ phân sức và tập trung tốt hơn. Chưa kể với thời tiết âm 10 độ C tại điểm thi đấu Shirahatayama thì trong điều kiện kỹ thuật chưa hoàn chỉnh, một mình đi trước băng qua rừng, leo lên núi, chạy đúng rãnh mà ban tổ chức đã đặt ra ở một số cung đường là cực kỳ gian nan cho vận động viên của chúng ta.
Trên đường đua, thậm chí Đức Mạnh còn gặp rắc rối khi 1 bên ván trượt gặp trục trặc. Nếu để rơi giày trượt ra, anh sẽ bị loại. Trong tình huống này, Đức Mạnh đã phải dồn hết lực vào 2 tay để không phạm quy. Do vậy, vận động viên của Việt Nam để các đối thủ khác bắt kịp và vượt qua dễ dàng.
Đức Mạnh đã hoàn tất phần thi với tổng thời gian 1 giờ 04 phút 30 giây, xếp thứ 22. Ba thứ hạng đầu ở nội dung này thuộc về 2 cường quốc thể thao Nhật Bản và Hàn Quốc.
Nguyễn Đức Mạnh là đội trưởng đội tuyển thể thao mùa Đông Việt Nam. Anh cũng chính là người cầm cờ cho đoàn Việt Nam trong lễ khai mạc Đại hội thể thao mùa Đông châu Á 2017. Nguyễn Đức Mạnh vốn là người tiên phong tập patin ở thể loại Speed - chạy đua tốc độ. Anh từng tranh tài thi đấu ở nhiều giải đấu lớn, nhỏ trong nước và quốc tế như: SEA Games 2011, ASEAN Beach Games 2012, Đà Lạt Roller Sports Competition 2016 (giải Nhì).
Đại hội Thể thao mùa Đông châu Á 2017 diễn ra tại thành phố Sapporo (Nhật Bản) từ ngày 19-26/2. Nước chủ nhà Nhật Bản đã 4 lần đăng cai sự kiện này, trong đó thành phố Sapporo 3 lần được lựa chọn làm địa điểm tổ chức. Có tổng cộng 1.139 vận động viên từ 31 quốc gia và vùng lãnh thổ tham gia tranh 64 bộ huy chương ở 11 môn thi đấu. Việt Nam cùng Indonesia, Timor Leste, Pakistan, Turmenistan, Sri Lanka, Australia và New Zealand là những nước lần đầu tiên có mặt ở một giải đấu thể thao mùa Đông. Hai quốc gia thuộc châu Đại Dương được ghi nhận huy chương nhưng không được xét thứ hạng trong bảng tổng sắp.
Đông Nam Á có tới 7 quốc gia tham dự, trong đó Thái Lan cử tới gần 80 thành viên.
Đoàn Việt Nam tham dự Đại hội Thể thao mùa Đông châu Á 2017 với 6 vận động viên. Các thành viên trong đội tuyển Việt Nam đều là người chơi nghiệp dư, hiếm khi được đặt chân đến xứ tuyết. Thay vì tập luyện trong môi trường băng tuyết, các tuyển thủ Việt Nam phải vượt khó, tập trượt ván trên sân "băng giả" tại các đồi cát ở Mũi Né (Phan Thiết).
Lần tham dự Đại hội thể thao mùa Đông châu Á đầu tiên này đối với các vận động viên Việt Nam thực sự giống như chuyến đi cọ sát thực tế. Các vận động viên Việt Nam đều cố gắng vượt qua chính mình và học hỏi kinh nghiệm cho các giải thể thao mùa Đông tiếp theo.
Trong ngày 24/2, Việt Nam sẽ thi đấu nội dung cuối cùng - trượt tuyết đổ dốc ván đôi - với hai vận động viên: Nguyễn Văn An và Nguyễn Võ Hữu Vinh. "Át chủ bài" của đội tuyển Việt Nam ở nội dung này là vận động viên Phạm Tiến Đạt không may vừa bị ngã gãy xương vai nên chỉ có thể ngồi ghế khán giả./.