Trong khuôn khổ Quỹ đặc biệt 100 tỷ euro dành cho quân đội liên bang Đức đã được liên minh cầm quyền và liên đảng bảo thủ CDU/CSU đối lập nhất trí, Chính phủ Đức đã lập kế hoạch kinh tế dự thảo chi tiết các mục chi tiêu để hiện đại hoá quân đội liên bang theo chủ trương của Thủ tướng Olaf Scholz.
Theo phóng viên TTXVN tại Berlin, truyền thông Đức đưa tin trong khuôn khổ kế hoạch trên, quân đội nước này sẽ dành 422 triệu euro cho lĩnh vực nghiên cứu, phát triển và trí tuệ nhân tạo, cụ thể là nghiên cứu các thiết bị định vị mới trên đất liền và trên biển, cũng như sử dụng trí tuệ nhân tạo để giám sát và đảm bảo an ninh tại các vùng rộng lớn.
Quỹ cũng dành 1,93 tỷ euro cho mua sắm quân trang và trang bị cá nhân; 20,7 tỷ euro để tăng cường hệ thống chỉ huy quân đội/số hóa, trong đó có mua sắm các loại máy vô tuyến hiện đại được mã hóa, mạng dữ liệu riêng cho các đơn vị chiến đấu và mở rộng hệ thống vệ tinh của quân đội liên bang; 16,6 tỷ euro chi cho các lực lượng chiến đấu bộ binh, chủ yếu là mua sắm các cỗ máy hạng nặng, cũng như phát triển một loại xe tăng chiến đấu mới của châu Âu trong những năm tới.
[Các đảng phái tại Đức nhất trí lập quỹ đặc biệt cho quân đội]
Ngoài ra, quỹ cũng dành 19,3 tỷ euro cho lực lượng Hải quân, phần lớn là mua sắm phương tiện, thiết bị cỡ lớn, trong đó có tàu hộ tống lớp 130, khinh hạm lớp 126, tàu ngầm lớp 212 CD, máy bay trinh sát hàng hải Boeing P-8A, hệ thống tên lửa mới cho tàu chiến và hệ thống phòng thủ mới cho tàu ngầm, thuyền/xuồng chiến đấu đa năng và một hệ thống dò dưới nước hiện đại.
Khoản chi lớn nhất - lên tới 40,9 tỷ euro - để hiện đại hóa không quân. Trong số này có kế hoạch mua các máy bay tiêm kích Eurofighter, một máy bay trực thăng vận tải mới cũng như các máy bay chiến đấu mới như F35 của Mỹ để thay thế phi đội Tornado đã cũ. Không quân Đức cũng sẽ được hiện đại hoá năng lực phòng không cùng hệ thống cảnh báo sớm Twister từ vũ trụ.
Kế hoạch hiện đại hóa quân đội liên bang với 100 tỷ euro của Chính phủ Đức - đưa ra trong bối cảnh Nga phát động chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine - được xem là bước ngoặt trong chính sách an ninh của quốc gia đầu tàu châu Âu này sau nhiều thập kỷ "e dè" về mặt quân sự xuất phát từ lịch sử nước Đức trong thế kỷ 20.
Theo Thủ tướng Scholz, với kế hoạch này, Đức sẽ "sớm có quân đội thông thường lớn nhất ở châu Âu trong khuôn khổ NATO," giúp củng cố đáng kể cho an ninh của Đức và các đồng minh./.