Đức lần đầu tiên đưa ra quyết định trục xuất mang tính lịch sử

Giới chức Đức thông báo sẽ trục xuất 2 thanh niên bị bắt giữ với cáo buộc âm mưu tấn công khủng bố, bất chấp việc cha mẹ đẻ của 2 nghi can này là người nước ngoài song cả 2 đều được sinh ra ở Đức.
Đức lần đầu tiên đưa ra quyết định trục xuất mang tính lịch sử ảnh 1Lực lượng chống khủng bố Đức. (Nguồn: Reuters)

Giới chức Đức ngày 21/3 thông báo sẽ trục xuất 2 nam thanh niên bị bắt giữ với cáo buộc âm mưu tấn công khủng bố, bất chấp việc cha mẹ đẻ của 2 nghi can này là người nước ngoài, song cả 2 đều được sinh ra tại Đức.

Hai đối tượng trên, gồm một người gốc Nigeria 22 tuổi và một người 27 tuổi gốc Algeria, bị cảnh sát Đức xếp vào diện “nguy hiểm” do tình nghi có mối liên hệ với lực lượng Hồi giáo cực đoan Salafist.

Cả hai sẽ có thể nhanh chóng bị trục xuất khỏi Đức và bị cấm nhập cảnh trở lại vô thời hạn.

Hãng thông tấn DPA dẫn lời giới chức Berlin khẳng định đây là lần đầu tiên trong lịch sử quốc gia Tây Âu này phải đưa ra quyết định như vậy sau khi Đức, tương tự như nhiều quốc gia châu Âu, thông qua đạo luật mang tính lịch sử về quyền huyết thống, có nghĩa là công dân của một quốc gia được xác định bằng quốc tịch của cha, hoặc mẹ, hoặc cả hai cha mẹ của người đó, thay vì được xác định bằng nơi người đó chào đời.

Bộ trưởng Nội vụ bang Niedersachsen, ông Boris Pistorius cho biết 2 đối tượng trên bị cảnh sát Đức bắt giữ hôm 9/2 tại thành phố miền Trung Gottingen, đồng thời xác nhận tòa án hành chính liên bang đã thông qua lệnh trục xuất 2 nghi can này sau khi tham vấn Bộ Nội vụ bang.

Trong hàng loạt chiến dịch được triển khai gần đây, cảnh sát Đức còn phát hiện một lá cờ của tổ chức khủng bố “Nhà nước Hồi giáo” (IS) tự xưng và thu giữ một khẩu súng tại nơi cư trú của 2 đối tượng trên ở Gottingen.

Quyết định trục xuất lần này được xem như bước tiến đầu tiên trong các nỗ lực chống khủng bố mạnh mẽ của Đức, 3 tháng sau vụ việc đối tượng người Tunisian lao xe tải vào một khu chợ Giáng sinh ở thủ đô Berlin, khiến 12 người thiệt mạng và 56 người bị thương. Từ đó đến nay, Đức vẫn duy trì cảnh báo an ninh ở mức cao./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục