Đức làm gì để đối phó với 'con mắt tò mò' của tập đoàn Huawei?

Theo Handelsblatt, lo sợ "con mắt tò mò" của Huawei, Đức đặt mục tiêu nâng cao tiêu chuẩn an ninh nhằm hạn chế sử dụng thiết bị viễn thông Trung Quốc.
Ảnh minh họa. (Nguồn: AFP)

Các tờ báo lớn của Đức (như Handelsblatt, Deutsche Welle, Sueddeutsche Zeitung) đăng tải các bài viết liên quan đến việc thời gian tới chính phủ Đức sẽ hạn chế sử dụng thiết bị viễn thông Huawei khi các công ty viễn thông của Đức bắt đầu xây dựng mạng 5G tốc độ cao.

Theo Handelsblatt, lo sợ "con mắt tò mò" của Bắc Kinh, Đức đặt mục tiêu nâng cao tiêu chuẩn an ninh nhằm hạn chế sử dụng thiết bị viễn thông Trung Quốc.

Các nhà mạng Deutsche Telekom và Telefónica đã sẵn sàng kiểm tra cách loại bỏ thiết bị Huawei khỏi mạng của họ.

Ngày 30/1, Bộ Nội vụ, Bộ Ngoại giao, Bộ Kinh tế, Bộ Giao thông Vận tải và đại diện của văn phòng Thủ tướng Angela Merkel, Cơ quan Mạng Liên bang và Văn phòng An ninh Thông tin Liên bang (BSI) đã tham dự cuộc họp bàn về việc hạn chế sử dụng thiết bị viễn thông của Huawei. Bộ Ngoại giao, Bộ Kinh tế và Bộ Nội vụ không muốn bình luận về các cuộc họp hoặc nội dung theo yêu cầu. BSI chỉ xác nhận rằng một cuộc họp đã diễn ra.

Cuộc họp thống nhất BSI cần kịp thời đưa ra những điểm chính cho các yêu cầu bảo mật chặt chẽ hơn đối với việc mở rộng lưới viễn thông. Bối cảnh là các nhà khai thác mạng cần phải có sự rõ ràng nhanh chóng. Bởi vì phiên đấu giá phân bổ tần số 5G dự kiến sẽ diễn ra vào giữa tháng 3/2019.

Sau cảnh báo của Mỹ về việc thiết bị của Huawei có thể được sử dụng cho gián điệp Trung Quốc, BSI sẽ đề xuất các tiêu chuẩn bảo mật cứng rắn hơn. Các biện pháp này sẽ được phát triển trong vòng vài tuần trước khi Đức đấu giá mạng 5G vào giữa tháng 3/2019.

Theo nguồn tin của Handelsblatt, BSI và Cơ quan mạng sẽ soạn thảo các quy tắc bắt buộc bất kỳ công ty viễn thông nào phải có thiết bị được chứng nhận bởi BSI cũng như tiết lộ mã nguồn vận hành thiết bị.

Biện pháp thứ hai sẽ cho phép các cơ quan quản lý phát hiện cái gọi là "cửa hậu" và phát hiện giám sát các luồng dữ liệu được mã hóa khác. Các quan chức Đức cũng sẽ thảo luận về một sự thay đổi của luật viễn thông.

Chính sách mới sẽ ngăn chặn hiệu quả các thiết bị Huawei khỏi các mạng 5G cốt lõi ở Đức cũng như các mạng 2G, 3G và 4G hiện có. Mạng cốt lõi bao gồm các máy tính, bộ định tuyến và chuyển mạch quản lý luồng dữ liệu; loại trừ các tháp mạng hoặc bộ định tuyến Wi-fi.

[Huawei có thể bị cấm tham gia cung cấp hạ tầng mạng 5G tại Đức]

Tuy nhiên, phía chính phủ Đức cho rằng một lệnh cấm hoàn toàn các sản phẩm của Huawei là điều không cần thiết. Với các quy định hướng dẫn bảo mật chặt chẽ hơn, Đức ít nhiều sẽ đi theo bước chân của Anh, bất chấp cơ quan quản lý công nghệ thông tin của Anh đã cấm Huawei ở một số lĩnh vực nhạy cảm, như các công nghệ để chuyển dữ liệu cho các công tố viên.

Điều khiến các nhà hoạch định chính sách Đức lo ngại là việc họ tin rằng, các công ty Trung Quốc phải có nghĩa vụ pháp lý để chia sẻ dữ liệu với Bắc Kinh.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Đức nói: "Tất nhiên, Huawei là một công ty Trung Quốc và cũng chịu sự điều chỉnh của pháp luật Trung Quốc. Có một số điều mà Đức cảm thấy lo lắng, nhất là nghĩa vụ của các công ty Trung Quốc hợp tác với các cơ quan tình báo nước này."

Theo Handelsblatt, phát ngôn viên của Bộ Nội vụ Đức ngày 31/1 chia sẻ mối quan ngại về tình hình pháp lý ở Trung Quốc. Các thử nghiệm liên quan đến các yêu cầu an toàn tiếp tục được thực hiện. Ngoài ra, những thay đổi có thể có trong luật viễn thông (TKG) vẫn còn được thảo luận.

Tuy nhiên, theo Handelsblatt, các công ty Deutsche Telekom và Telefónica (vận hàng mạng O2 ở Đức) đã chuẩn bị các kịch bản, trong đó có việc tất cả các thiết bị Huawei sẽ bị xóa khỏi mạng của họ. Nhà mạng Vodafone- lớn thứ ba của Đức, hầu như không sử dụng các thiết bị Huawei trong mạng lõi của mình.

Một phát ngôn viên của Telefonica cho biết, nếu thiết bị của Huawei bị cấm trong toàn bộ mạng lõi (từ 2G đến 5G), thì công ty này phải mất hơn 1 tháng để loại bỏ các thiết bị Huawei. Nhà điều hành viễn thông này cũng sử dụng thiết bị của Nokia và Ericsson, tương ứng có trụ sở tại Phần Lan và Thụy Điển, cho mạng lõi của Đức.

Trong khi đó, Chính phủ Liên bang hy vọng rằng do áp lực chính trị và rủi ro bảo mật hiện có, các nhà mạng sẽ tự nguyện không cài đặt công nghệ của Huawei trong khu vực cốt lõi của mạng 5G. Tuy nhiên, Giới công nghiệp Đức cho biết các công ty đã cố gắng ngăn chặn một quy định theo hướng này.

Theo giới chuyên gia Đức, việc cấm Huawei cung cấp mạng 5G ở châu Âu, thậm chí từ các mạng lõi nhạy cảm, sẽ làm chậm đáng kể việc xây dựng và tăng thêm chi phí, vì các nhà cung cấp khác không thể thay thế thiết bị của họ. Do đó, các biện pháp mà Berlin hiện đang xem xét phần lớn phù hợp với những gì Deutsche Telekom đã đề xuất.

Ngoài ra, một giám đốc viễn thông cao cấp trao đổi Handelsbatt rằng, điều đáng lo ngại hơn nữa là khó có thể thực hiện được việc loại trừ hoàn toàn kỹ thuật của Huawei. Bởi các thiết bị của Huawei đang được sử dụng nằm trong mạng của 3 nhà khai thác di động lớn của Đức. Do đó, sẽ phải mất vài năm để loại bỏ tất cả công nghệ và nó sẽ có hậu quả lớn đối với chất lượng của các mạng.

Khi được Handelsblatt hỏi về các kế hoạch ở Đức, đại diện Huawei cho biết tập đoàn này hoan nghênh bất kỳ sáng kiến nào để thiết lập các tiêu chí bảo mật khách quan và có cơ chế để kiểm tra, xem xét kỹ lưỡng công nghệ của mọi nhà cung cấp bất kể nước xuất xứ.

Handelsblatt dẫn các nguồn tin ngoại giao cho biết ngoài các quy tắc chặt chẽ hơn của Đức, các nhà khai thác viễn thông châu Âu có thể phải đối mặt với nhiều quy định hơn nữa đến từ Liên minh châu Âu (EU).

Các quan chức ở Brussels đang nghĩ đến việc mở rộng luật an ninh mạng năm 2016, cấm các công ty bị nghi ngờ là gián điệp cung cấp các dự án được coi là cơ sở hạ tầng thiết yếu. Điều này có thể ảnh hưởng đến Huawei cũng như ZTE - một nhà sản xuất thiết bị viễn thông khác của Trung Quốc.

Ủy ban châu Âu (EC) cũng có thể thiết lập các tiêu chuẩn mới để mua sắm hoặc đề nghị các quốc gia ưu tiên thiết bị của Nokia và Ericsson. Tuy nhiên, một chính sách mới từ Brussels chỉ được dự kiến sau cuộc tổng tuyển cử Nghị viện châu Âu vào tháng 5/2019.

Ở Đức, các công ty viễn thông muốn làm rõ trước phiên đấu giá 5G vào tháng 3 tới./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục