Đức: Lái tàu đình công diện rộng khiến dịch vụ đường sắt ngưng trệ

Hàng loạt chuyến tàu đã bị hoãn tại các nhà ga trên khắp nước Đức khiến nhiều du khách bị mắc kẹt. Chỉ vài giờ đầu tiên sau khi cuộc đình công diễn ra, khoảng 700 chuyến tàu đã bị đình trệ.
Hành khách bị mắc kẹt tại nhà ga trung tâm Berlin, Đức khi các lái tàu tiến hành đình công khiến hoạt động lưu thông bị đình trệ, ngày 11/8/2021. (Ảnh: THX/TTXVN)
Hành khách bị mắc kẹt tại nhà ga trung tâm Berlin, Đức khi các lái tàu tiến hành đình công khiến hoạt động lưu thông bị đình trệ, ngày 11/8/2021. (Ảnh: THX/TTXVN)

Cuộc đình công do các lái tàu tiến hành nhằm phản đối vấn đề thù lao đã làm tê liệt hoạt động vận chuyển hành khách và hàng hóa trên khắp nước Đức trong ngày 11/8.

Cuộc đình công diễn ra trong bối cảnh nhu cầu đi lại bằng đường sắt tăng cao sau khi Đức nới lỏng các biện pháp hạn chế được áp đặt để chống dịch COVID-19 trong mùa cao điểm du lịch.

Kế hoạch đình công trước tiên tác động tới các chuyến tàu chở hàng từ 19h ngày 10/8 và đã lan sang các chuyến tàu chở hành khách từ 2h sáng 11/8 (theo giờ Đức).

Hàng loạt chuyến tàu đã bị hoãn tại các nhà ga trên khắp nước Đức khiến nhiều du khách bị mắc kẹt. Chỉ vài giờ đầu tiên sau khi cuộc đình công diễn ra, khoảng 700 chuyến tàu đã bị đình trệ.

Trao đổi với báo giới, người phát ngôn Công ty Đường sắt Đức Deutsche Bahn (DB) Achim Stauss cho biết công ty đang nỗ lực đảm bảo 1 trong 4 chuyến tàu đường dài vẫn hoạt động theo lịch trình cũng như có tối thiểu 1 chuyến tàu mỗi 2 giờ giữa các thành phố lớn.

Ông Stauss nhấn mạnh “chúng tôi đang nỗ lực hết sức để đưa mọi người đến điểm đến ngay hôm nay,” đồng thời kêu gọi du khách hoãn các chuyến đi không cần thiết.

Trong khi đó, lãnh đạo Nghiệp đoàn lái tàu GDL của Đức Claus Weselsky cho biết dự kiến vào tuần tới, GDL sẽ quyết định về khả năng và thời điểm tiếp tục tiến hành cuộc đình công nhằm phản đối DB sau khi các cuộc đàm phán về tiền lương với công ty nhà nước này thất bại.

Ông Weselsky đồng thời nhấn mạnh GDL sẽ chỉ quay trở lại bàn đàm phán nếu DB đưa ra đề nghị đã có sự điều chỉnh.

GDL đang yêu cầu DB tăng lương khoảng 3,2% cùng khoản trợ cấp một lần trị giá 600 euro (khoảng 702,60 USD) trong giai đoạn dịch bệnh hoành hành.

Lãnh đạo GDL cho rằng việc quyết định đình công vào ngày trong tuần thay vì vào thời gian cao điểm đi lại cuối tuần đã thể hiện thiện chí của nghiệp đoàn nhằm giảm thiểu tác động.

[Hàng nghìn nhân viên ở Canada chuẩn bị đình công]

Trong khi đó, DB chỉ trích đây là hành động leo thang căng thẳng vô ích, làm tổn hại tới lợi ích của các khách hàng.

Các nhà kinh tế và các nhóm vận động hành lang cũng cho rằng cuộc đình công trong ngành vận tải hàng hóa có thể làm trầm trọng thêm các nút thắt trong chuỗi cung ứng của nền kinh tế lớn nhất châu Âu.

Hiệp hội sản xuất ôtô VDA của Đức cho rằng cuộc đình công sẽ tạo ra những bất ổn và sẽ gây hại cho ngành logistics vốn đang phải chật vật để phục hồi sau cuộc khủng hoảng COVID-19.

Chủ tịch VDA Hildegard Mueller cảnh báo: “Nếu các cuộc đình công kéo dài, các công ty có thể phát sinh chi phí đáng kể vì chuỗi cung ứng bị gián đoạn nhanh chóng dẫn đến ngừng sản xuất.”

Đây là lần đầu tiên một cuộc đình công trong ngành đường sắt Đức diễn ra kể từ tháng 12/2018.

Kế hoạch này cũng gây ra thêm rắc rối mới cho ngành đường sắt Đức ngay ở giai đoạn cao điểm đi lại mùa nghỉ Hè trong bối cảnh ngành này chỉ vừa mới bắt đầu hồi phục sau nhiều tháng tê liệt vì đại dịch COVID-19.

DB đã thua lỗ lớn khi nhu cầu đi lại giảm mạnh kể từ khi dịch bùng phát trên toàn cầu từ tháng 3/2020.

Hiện, công ty cũng đang chật vật để huy động nguồn lực xây dựng lại các đoạn đường tàu bị phá hủy nghiêm trọng trong các trận lũ lụt lịch sử ở Đức giữa tháng Bảy vừa qua./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục