Đức kỳ vọng gói 750 tỷ euro sẽ giúp EU phục hồi vào năm 2021

Các nhà lãnh đạo EU đã đồng ý thông qua gói kích thích kinh tế lịch sử trị giá 750 tỷ euro (858 tỷ USD) để giúp khối này chống chịu qua giai đoạn quy thoái vì dịch COVID-19.
Đức kỳ vọng gói 750 tỷ euro sẽ giúp EU phục hồi vào năm 2021 ảnh 1Bộ trưởng Kinh tế Đức Peter Altmaier. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Bộ trưởng Kinh tế Đức Peter Altmaier ngày 21/7 cho biết kế hoạch phục hồi của Liên minh châu Âu (EU) sẽ giúp khối này hồi phục nhanh hơn từ cuộc khủng hoảng do đại dịch COVID-19 gây ra và lấy lại đà tăng trưởng vào năm 2021.

Sau cuộc đàm phán kéo dài bốn ngày, các nhà lãnh đạo EU đã đồng ý thông qua gói kích thích kinh tế lịch sử trị giá 750 tỷ euro (858 tỷ USD) để giúp khối này chống chịu qua giai đoạn suy thoái vì dịch COVID-19.

Phát biểu tại một cuộc họp báo ở Berlin, ông Altmaier coi sự đồng thuận trên là tin tốt cho hàng triệu người ở Đức và trên khắp châu Âu.

[EU đạt thỏa thuận gói 750 tỷ euro hỗ trợ phục hồi kinh tế hậu COVID-19]

Theo Bộ trưởng Altmaier, gói kích thích trên sẽ đảm bảo rằng việc phục hồi sẽ diễn ra nhanh hơn so với trường hợp không có gói tài chính trên.

Ông Altmaier nói thêm rằng bước đột phá tại Hội nghị thượng đỉnh EU vừa diễn ra ở Brussels đã tăng đáng kể cơ hội để Đức - nền kinh tế hàng đầu của châu Âu và một cường quốc xuất khẩu - ghi nhận sự hồi phục chậm và thận trọng từ cuối tháng 10 tới.

Bộ trưởng Kinh tế Đức cũng nhận định rằng một số quốc gia thành viên EU sẽ có trải nghiệm tương tự, trong khi những nước khác sẽ chỉ cảm nhận được toàn bộ tác động kinh tế của đại dịch COVID-19 vào nửa cuối năm nay.

Tuy nhiên, ông hy vọng rằng vào năm 2021, tất cả các quốc gia thành viên của EU sẽ trở lại giai đoạn tăng trưởng và phục hồi.

Trước đó, đề xuất liên quan tới gói phục hồi 750 tỷ euro đã vấp phải sự phản đối mạnh mẽ của các nước thành viên chủ trương tiết kiệm chi tiêu như Hà Lan, Áo, Thụy Điển và Đan Mạch.

Trợ lý cấp cao của Thủ tướng Thụy Điển Stefan Lofven cho biết nhóm "tiết kiệm" gồm Hà Lan, Thụy Điển, Áo, Đan Mạch và Phần Lan, hiện chỉ sẵn sàng chấp nhận khoản hỗ trợ tối đa là 350 tỷ euro, thậm chí là có điều kiện đi kèm.

Nhằm phá vỡ thế bế tắc để tránh các cuộc đàm phán đổ vỡ, trong sáng 20/7, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel đưa ra một đề xuất được các nhà ngoại giao đánh giá là "con đường hướng tới một thỏa thuận."

Ông đề xuất khoản hỗ trợ 390 tỷ euro đi kèm một số khoản tiền nhỏ hoàn lại cho nhóm "tiết kiệm."

Cuối cùng, đề xuất mới này đã nhận được sự nhất trí của 27 nước thành viên để sau đó trình lên Nghị viện châu Âu (EP) thông qua.

Chính phủ Đức mới đây dự báo nền kinh tế lớn nhất châu Âu sẽ suy giảm ở mức kỷ lục là 6% trong năm nay, nhưng sau đó sẽ phục hồi hơn 5% vào năm 2021.

Trên quy mô toàn EU, Ủy ban châu Âu dự báo nền kinh tế khối này sẽ giảm 8,3% vào năm 2020, trước khi hồi phục với mức tăng trưởng 5,8% vào năm 2021./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục