Đức không tham gia liên minh an ninh hàng hải của Mỹ tại Trung Đông

Ngoại trưởng Đức Heiko Maas khẳng định chính phủ nước này đã quyết định sẽ không tham gia sứ mệnh đảm bảo an ninh theo đề nghị của Mỹ ở Eo biển Hormuz, nối Vịnh Persia với Vịnh Oman.
Tàu tuần tra của Iran tại eo biển Hormuz. (Nguồn: IRNA/TTXVN)

Ngày 31/7, Ngoại trưởng Đức Heiko Maas cho biết Đức sẽ không tham gia sứ mệnh hải quân do Mỹ đứng đầu nhằm đảm bảo an ninh ở Eo biển Hormuz, ngoài khơi bờ biển Iran.

Theo phóng viên TTXVN tại châu Âu, Ngoại trưởng Đức Heiko Maas khẳng định chính phủ nước này đã quyết định sẽ không tham gia sứ mệnh đảm bảo an ninh theo đề nghị của Mỹ ở Eo biển Hormuz, nối Vịnh Persia với Vịnh Oman.

Giải thích cho quyết định này, Ngoại trưởng Heiko Maas cho biết Chính phủ Đức cho rằng chiến lược của Mỹ trong việc gia tăng áp lực đối đa nhằm vào Iran là sai lầm.

[Đức hoài nghi việc triển khai liên minh đảm bảo an ninh Eo biển Hormuz]

Theo ông Maas, Berlin muốn tránh leo thang căng thẳng hơn trong khu vực và Chính phủ Đức muốn tập trung vào một giải pháp ngoại giao nhằm làm dịu căng thẳng hiện nay giữa Mỹ và Iran.

Ngoại trưởng Đức cũng một lần nữa khẳng định rằng sẽ không có bất cứ giải pháp quân sự nào.

Theo quy định của Hiến pháp Đức, việc điều động quân đội Đức hoạt động ở nước ngoài sẽ do Quốc hội Đức quyết định, tương tự như các sứ mệnh gìn giữ hòa bình tại Trung Đông và châu Phi, cũng như chiến dịch chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng mà nước này đã tham gia.

Cùng ngày, nghị sỹ Bỉ Peter Buysrogge cho biết trong thời gian tới, Quốc hội nước này có thể xem xét lời mời tham gia sáng kiến trên của Mỹ.

Eo biển Hormuz chỉ rộng 33 km, nhưng lại là lối vào phía Đông và điểm ra vùng Vịnh, hiện do Iran và Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) quản lý.

Tình hình tại đây đang ngày càng trở nên căng thẳng do các vụ tấn công tàu chở dầu, việc Iran và Mỹ bắn rơi máy bay do thám không người lái (UAV) của nhau, cũng như việc Iran bắt giữ tàu chở dầu của Anh.

Tuần trước, Mỹ đã mời các nước Australia, Pháp, Đức, Nhật Bản, Na Uy, Bỉ, Anh và Hàn Quốc tham gia liên minh, khẳng định rằng tất cả các bên liên quan sẽ không chỉ bảo vệ lợi ích của họ mà còn để đảm bảo nguyên tắc cơ bản về giao thông hàng hải tự do và mở./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục