Đức: Không có "giải pháp quân sự" cho vụ va chạm hải quân Nga-Ukraine

Thủ tướng Đức Merkel khẳng định không có "giải pháp quân sự" cho vụ va chạm hải quân Nga-Ukraine sau khi Tổng thống Ukraine Poroshenko đề nghị các nước NATO điều tàu tới Biển Azov để hỗ trợ Kiev.
Thủ tướng Angela Merkel. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Thủ tướng Đức Angela Merkel ngày 29/11 khẳng định "không có giải pháp quân sự" cho vụ va chạm mới giữa Nga và Ukraine, sau khi Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko đề nghị các nước thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) điều tàu hải quân tới Biển Azov để hỗ trợ Kiev trong bối cảnh căng thẳng với Moskva gia tăng sau vụ đụng độ gần đây ở Eo biển Kerch.

Phát biểu tại một hội nghị Đức-Ukraine ở Berlin, bà Merkel vẫn đổ lỗi cho Nga gây căng thẳng hiện nay, song cho rằng "phía Ukraine đã quá nhạy cảm, bởi chúng ta chỉ có thể giải quyết mọi việc một cách hợp lý và thông qua đối thoại vì không có giải pháp quân sự nào cho các tranh chấp kiểu này."

Bà Merkel cho biết thêm việc phương Tây áp đặt trừng phạt Nga là "để duy trì luật quốc tế." Bà nói: "Chúng tôi không áp đặt trừng phạt vì lợi ích của các biện pháp trừng phạt, mà để làm rõ rằng các quốc gia đều có quyền phát triển của riêng mình. Đó là những nguyên tắc của luật quốc tế."

[Nga nghi ngờ phương Tây hỗ trợ kế hoạch khiêu khích ở eo biển Kerch]

Thủ tướng Đức cũng cho biết bà sẽ gặp Tổng thống Nga Vladimir Putin bên lề Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) tại Argentina.

Ngoài ra, bà Merkel cũng khẳng định Đức sẽ nỗ lực đảm bảo Ukraine vẫn là quốc gia trung chuyển khí đốt từ Nga.

Mối quan hệ vốn đã căng thẳng giữa Nga và Ukraine đã bị đẩy lên nấc thang mới sau vụ Nga bắt giữ 3 tàu Hải quân Ukraine với cáo buộc các tàu này xâm phạm lãnh hải Nga hôm 25/11.

Hai nước đã đưa ra những thông báo trái chiều về vụ việc. Phía Hải quân Ukraine cho rằng Nga đã cho tàu chặn đường qua Eo biển Kerch, không để hai tàu chiến loại nhỏ cùng một tàu kéo Ukraine đang từ Biển Đen đi qua eo biển này để vào Biển Azov.

Tuy nhiên, Nga cáo buộc Ukraine không thông báo trước về việc 3 con tàu qua Eo biển Kerch, đồng thời cho biết các tàu của Ukraine đã đi lại một cách nguy hiểm và phớt lờ những chỉ dẫn của phía Nga nhằm kích động căng thẳng, buộc Moskva phải dùng tới vũ lực để ngăn chặn quân đội Ukraine xâm phạm bất hợp pháp vùng biển Nga.

Tổng thống Nga Vladimir Putin cho rằng vụ việc tại Biển Đen là một "sự cố biên giới" và việc Kiev ban bố tình trạng chiến tranh là "một phản ứng thái quá"./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục