Đức kêu gọi thế giới nỗ lực khẩn cấp kiểm soát vũ khí tự động

Ngày 15/3, Bộ Ngoại giao Đức đã kêu gọi cộng đồng quốc tế cần phải nỗ lực khẩn cấp để đảm bảo rằng con người vẫn kiểm soát được các loại vũ khí sát thương tự động.
Đức kêu gọi thế giới nỗ lực khẩn cấp kiểm soát vũ khí tự động ảnh 1Vũ khí tự động đang trở thành nỗi ám ảnh. (Nguồn: trendnet.me)

Ngày 15/3, Bộ Ngoại giao Đức đã kêu gọi cộng đồng quốc tế cần phải nỗ lực khẩn cấp để đảm bảo rằng con người vẫn kiểm soát được các loại vũ khí sát thương tự động, nhằm ngăn chặn những "sát thủ người máy".

Phát biểu tại một hội nghị về kiểm soát vũ khí ở Berlin, Ngoại trưởng Đức Heiko Maas nhấn mạnh những quy định là cần thiết để hạn chế phát triển và sử dụng vũ khí có thể tiêu diệt mục tiêu mà không cần sự can thiệp của con người.

Theo ông Maas, những "sát thủ người máy" có thể quyết định tiêu diệt mục tiêu hay không dựa trên bộ dữ liệu ẩn danh lắp đặt lên chúng và hoàn toàn nằm ngoài tầm kiểm soát của con người, hiện thực sự gây bất ngờ. Do đó, ông Maas hoài nghi rằng con người đang kiểm soát công nghệ hay ngược lại.

Tại hội nghị, Đức, Thụy Điển và Hà Lan đã ký một tuyên bố cam kết hợp tác nhằm ngăn chặn phổ biến vũ khí. Ngoại trưởng Maas cho rằng ba nước muốn hệ thống hóa quy định về quyền kiểm soát của con người đối với tất cả các loại vũ khí gây chết người trên phạm vi quốc tế và tiến tới một lệnh cấm toàn cầu đối với vũ khí tự động hoàn toàn. Ông hy vọng các cuộc họp theo Công ước về các loại vũ khí thông thường (CCW) trong năm nay sẽ đạt được tiến bộ. Dự kiến, trong tháng này, các cuộc họp CCW tiếp theo về các loại vũ khí tự động gây chết người sẽ diễn ra tại Geneva, Thụy Sĩ.

[Nghi phạm xả súng ở New Zealand ra tòa với cáo buộc giết người]

Giới chuyên gia cho rằng các loại máy bay không người lái ngày càng có nhiều tính năng tự động, các hệ thống phòng thủ tên lửa và xe tăng được tạo ra bằng công nghệ mới và trí tuệ nhân tạo (AI) có thể trở thành "kẻ xấu" trong một cuộc tấn công mạng hoặc do lỗi lập trình. Liên hợp quốc và Liên minh châu Âu (EU) đã kêu gọi ban hành một lệnh cấm toàn cầu đối với những loại vũ khí như vậy, nhưng các cuộc thảo luận đến nay vẫn chưa đưa ra được một cam kết rõ ràng để đi đến một hiệp ước.

Trong khi đó, Nga, Israel, Hàn Quốc và Mỹ, những nước đang đầu tư đáng kể vào các loại vũ khí tự động, hồi tháng 11/2018 tuyên bố sẽ không ủng hộ các cuộc đàm phán về một hiệp ước mới. Trung Quốc cũng phát triển loại vũ khí này nhưng kêu gọi một lệnh cấm sử dụng chúng. Theo kết quả thăm dò dư luận do hãng Ipsos tiến hành, 61% số người được hỏi tại 26 quốc gia phản đối việc sử dụng các loại vũ khí tự động./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục