Theo phóng viên TTXVN tại Đức, ngày 30/5, Ngoại trưởng Đức Heiko Maas đã lên tiếng kêu gọi nối lại các cuộc đàm phán hòa bình ở Ukraine vốn đang bị đình trệ.
Phát biểu sau cuộc gặp với người đồng cấp Pháp Jean-Yves Le Drian và tân Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky ở thủ đô Kiev, Ngoại trưởng Heiko Maas cho biết Đức và Pháp, hai nước trong nhóm Bộ tứ Normandy, sẽ tận dụng thời điểm này để khởi động lại tiến trình hòa bình Minsk. Ông khẳng định các bên sẽ tiếp tục nỗ lực mang lại hòa bình cho Ukraine, đặc biệt là khu vực miền Đông.
Theo Ngoại trưởng Đức, điều này là hoàn toàn có thể khi các cuộc gặp giữa ông và người đồng cấp Pháp với tân Tổng thống Ukraine diễn ra rất tích cực, đặc biệt khi Tổng thống Zelensky luôn coi vấn đề hòa bình là "ưu tiên tuyệt đối."
[Bộ Tứ Normandy tìm cách hồi sinh tiến trình hòa bình Ukraine]
Trong một tuyên bố chung, Ngoại trưởng Đức và Pháp cũng kêu gọi Nga thể hiện "ý chí chính trị và trách nhiệm khôi phục lại bầu không khí tin tưởng với Ukraine thay vì gây thêm căng thẳng trong quan hệ hai nước. Cả hai cho rằng hiện có một số vấn đề mà Nga có thể thương lượng và làm dịu căng thẳng với Kiev, trong đó có việc thả tự do cho 24 thủy thủ Ukraine bị phía Nga bắt giữ hồi tháng 11/2018.
Hôm 27/5 vừa qua, bất chấp việc Tòa án Quốc tế về Luật biển (ITLOS) yêu cầu Nga thả ngay những thủy thủ Ukraine nói trên, Tòa án thành phố Moskva đã công nhận tính hợp pháp trong phán quyết gia hạn thời gian giam giữ thêm ba tháng đối với 24 thủy thủ Ukraine với cáo buộc xâm phạm biên giới Nga tại khu vực eo biển Kerch. Giới chức Nga nhiều lần yêu cầu đối xử với những thủy thủ này như những tù binh.
Bộ tứ Normandy là nhóm gồm bốn nước Pháp, Đức, Nga và Ukraine ra đời vào tháng 6/2014 nhằm giải quyết những xung đột và tái thiết hòa bình cho Ukraine. Tuy nhiên, do mâu thuẫn giữa các bên đã khiến cuộc họp của nhóm bị trì hoãn.
Lần gần đây nhất vào tháng 6/2018, Ngoại trưởng bốn nước đã nhóm họp tại Berlin thảo luận về việc giảm bớt căng thẳng tại Ukraine và triển khai các lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc./.