Các nền kinh tế lớn nhất thế giới cần tiếp tục tiến hành các biện pháp cứu trợ và hỗ trợ người lao động và các doanh nghiệp bị ảnh hưởng trong đại dịch COVID-19, do khả năng phục hồi có thể lâu hơn dự kiến ban đầu.
Đề xuất trên được Bộ trưởng Tài chính Đức Olaf Scholz đưa ra trong cuộc họp các bộ trưởng tài chính và thống đốc ngân hàng trung ương của Nhóm 20 nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) diễn ra theo hình thức trực tuyến ngày 26/2.
Đây là cuộc họp đầu tiên của các bộ trưởng tài chính và thống đốc ngân hàng trung ương G20 kể từ khi Tổng thống Mỹ Joe Biden nhậm chức hồi tháng trước.
[Tổng Giám đốc IMF: Nhiều nền kinh tế sẽ gặp khó khăn do dịch COVID-19]
Trong bối cảnh cuộc khủng hoảng y tế bùng phát trên phạm vi toàn cầu, điều phối và hợp tác đa phương đang ngày càng trở nên cấp thiết.
Đầu tháng này, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres đã hối thúc G20 vạch ra kế hoạch tiêm vắcxin ngừa COVID-19 toàn cầu, cho rằng hiện mới chỉ có 10 nước đã tiêm 75% các loại vắcxin ngừa COVID-19 hiện có cho người dân trong khi có tới trên 130 nước vẫn chưa nhận được bất kỳ loại vắcxin nào.
Trong thư gửi các quan chức G20 trước thềm cuộc họp, tân Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen cũng cảnh báo những nguy cơ tiềm ẩn nếu các nướcc rút lại các gói hỗ trợ tài chính và tiền tệ quá sớm.
Bà Yellen nhấn mạnh sự cần thiết phải tăng cường hợp tác nhằm khống chế khủng hoảng. Theo bà, đã đến lúc cần hành động và hợp tác đa phương.
G20 bao gồm Argentina, Australia, Brazil, Anh, Canada, Trung Quốc, Pháp, Đức, Ấn Độ, Indonesia, Italy, Nhật Bản, Mexico, Nga, Saudi Arabia, Nam Phi, Hàn Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ, Mỹ và Liên minh châu Âu. Hiện Italy đang giữ chức Chủ tịch luân phiên G20./.