Đức kêu gọi G7 cùng hành động nhằm giảm giá năng lượng

Thủ tướng Scholz nhấn mạnh giá nhiên liệu hóa thạch phải hạ xuống "mức hợp lý" và "bền vững," song điều này sẽ không thể đạt được nếu chỉ dựa vào hành động đơn phương của Đức hay thậm chí toàn EU.
Đức kêu gọi G7 cùng hành động nhằm giảm giá năng lượng ảnh 1Bơm xăng tại một trạm xăng ở Camberley, London, Anh. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Chính phủ Đức sẽ vận động các nhà lãnh đạo thế giới cùng hành động để giảm giá năng lượng là nội dung Thủ tướng Đức Olaf Scholz dự kiến đưa ra tại cuộc họp của Nhóm Các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) diễn ra cuối ngày 11/10.

Phát biểu tại một cuộc họp của Hiệp hội Công nghiệp Cơ khí Đức (VDMA) tại thủ đô Berlin, Thủ tướng Scholz nhấn mạnh giá nhiên liệu hóa thạch phải hạ xuống "mức hợp lý" và "bền vững," song điều này sẽ không thể đạt được nếu chỉ dựa vào hành động đơn phương của Đức hay thậm chí toàn Liên minh châu Âu (EU).

Ông nhấn mạnh cần có sự hợp tác của tất cả các nước, đồng thời cho biết ông sẽ nêu vấn đề giá năng lượng tại tất cả các hội nghị quốc tế cũng như trong khuôn khổ G7 và EU.

Giá nhiên liệu tăng vọt sau khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine và cắt giảm nguồn cung khí đốt cho châu Âu, dẫn tới khủng hoảng nghiêm trọng tại khu vực và nhiều nơi khác. Đức là một trong những nước chịu ảnh hưởng nặng nề do phụ thuộc nhiều vào nguồn cung của Nga.

Theo kế hoạch, hội nghị trực tuyến của G7 sẽ diễn ra lúc 12h ngày 11/10 theo giờ GMT (19h giờ Việt Nam).

[Các nước thành viên EU bất đồng về kế hoạch áp giá trần khí đốt Nga]

Cũng trong bài phát biểu, Thủ tướng Scholz cho biết các quan chức Đức sẽ thảo luận với giới chức Mỹ về Đạo luật Giảm lạm phát mang tính bước ngoặt của chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden, trong đó tăng mạnh chi tiêu cho các sáng kiến năng lượng xanh, bao gồm việc giảm thuế cho ôtô điện và pin do Mỹ sản xuất.

Theo ông Scholz, đạo luật này sẽ bảo vệ các công ty của Mỹ và ảnh hưởng tới môi trường cạnh tranh. Ông Scholz kêu gọi sự hợp tác quốc tế chặt chẽ hơn trong việc triển khai các biện pháp chống biến đổi khí hậu và thúc đẩy thương mại, nhấn mạnh thế giới cần phải tránh "một cuộc chiến thuế quan quy mô lớn."

Đạo luật Giảm lạm phát được Tổng thống Biden ký ban hành đầu tháng 8 vừa qua, kêu gọi mở rộng các biện pháp hỗ trợ thuế cho các hợp đồng mua bán xe điện nhưng chỉ với những xe lắp ráp ở khu vực Bắc Mỹ. Đạo luật này cũng yêu cầu các xe lắp pin và các nguyên liệu pin do Mỹ sản xuất.

Tuy nhiên, trong những tuần gần đây, các quan chức EU đã lên tiếng phản đối các khoản hỗ trợ thuế theo kế hoạch của Mỹ dành cho thị trường ôtô điện trong nước, cho rằng điều này sẽ gây bất lợi đối với ôtô điện sản xuất ở nơi khác./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục