Đức - Italy: Cuộc chiến sân cỏ của những người khổng lồ

Lần này bất ngờ lớn hơn, bởi so với Italy, Đức đang được đánh giá cao hơn khá nhiều về lực lượng và vị thế - họ là những nhà đương kim vô địch trẻ trung.
Huấn luyện viên Joachim Loew. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Bốn năm trước, khi đụng độ đội tuyển Italy tại Bán kết Giải vô địch bóng đá châu Âu EURO 2012, huấn luyện viên Joachim Loew đã bất ngờ thay đổi chiến thuật và đón nhận thất bại.

Ngày hôm qua, ông một lần nữa thay đổi chiến thuật để đón tiếp Italy, và lần này mọi thứ đã cân bằng hơn.

Tại EURO 2012, trước một Italy đang thăng hoa với cảm hứng là Andrea Pirlo, ông Joachim Loew đã quyết định thay đổi sơ đồ chiến thuật.

Bỏ qua 4-2-3-1 đang là nền tảng thành công của hai năm liên tiếp trước đó, Loew chọn 4-3-3 cho Đức.

Ngày hôm ấy, người ta sẽ nhớ nhiều tới những sai lầm cá nhân của Mats Hummels và Philipp Lahm, nhưng kỳ thực chính sự thay đổi của Loew đã không phát huy bất kỳ tác dụng nào. Ông đã thừa nhận trách nhiệm sau đó.

Tới EURO 2016, một lần nữa Loew gây bất ngờ khi đưa ra sự thay đổi chiến thuật.

Lần này bất ngờ lớn hơn, bởi so với Italy, Đức đang được đánh giá cao hơn khá nhiều về lực lượng và vị thế - họ là những nhà đương kim vô địch trẻ trung.

Benedikt Hoewedes đá chính và Julian Draxler - cầu thủ hay nhất trận gặp Slovakia ở vòng 1/8 - ngồi dự bị.

Đi kèm với đó là sự thay đổi về mặt sơ đồ. 4-2-3-1 quen thuộc trở thành một sơ đồ ba trung vệ.

Jonas Hector và Joshua Kimmich vẫn chơi ở hai biên, nhưng được đẩy cao hơn.

Bộ ba trung vệ từ trái qua phải là Mats Hummels, Jerome Boateng và Hoewedes.

Trên thực tế, Đức đã nhiều lần áp dụng sơ đồ này. Hồi tháng Ba, khi đánh bại Italy với tỉ số 4-1, đây cũng chính là nền tảng thành công của họ.

Nhiều lời đồn cho rằng chấn thương của trung vệ Antonio Ruediger chính là lý do khiến Loew chuyển sang 4-2-3-1, còn thật ra sơ đồ ba trung vệ mới là “bài” chính của Đức.

Ở phía trên, Toni Kroos chơi trong vai trò tiền vệ trụ. Anh được hỗ trợ bởi một tiền vệ con thoi – trước đó là Sami Khedira, sau là Bastian Schweinsteiger.

Mesut Oezil di chuyển trong khu vực “số 10,” Mario Gomez chơi cao nhất và Thomas Mueller luồn lách xung quanh trung phong.

Ở giải đấu lần này, Italy đã mất đi Marco Verratti – cầu thủ sáng tạo quan trọng nhất.

Vì vậy, Antonio Conte đã áp dụng một phương pháp triển khai tấn công để vẫn có thể tạo ra nguy hiểm mà đơn giản và đòi hỏi ít nhất.

Cụ thể, khi Italy có bóng, ba trung vệ của họ sẽ bình tĩnh cùng tiền vệ trụ (Marco Parolo ở trận đấu này) luân chuyển bóng để chờ đợi.

Ở phía trên, hai tiền vệ con thoi - Emmanuel Giaccherini và Stefano Sturaro – và hai cầu thủ chạy cánh – Mattia De Sciglio và Alessandro Florenzi – sẽ dâng lên cao ngang các tiền đạo.

Họ tạo ra một hàng ngang gần như trải phẳng gồm sáu người. Khi ấy, các cầu thủ ở tuyến dưới có thể phất bóng dài, đưa bóng tới vị trí của Graziano Pelle hoặc chuyền ra biên.

Một pha làm tường hoặc một cú tạt bóng sẽ nhanh chóng mang tới cơ hội.

Tuy nhiên, điều đáng ngạc nhiên là chính Đức cũng... chơi gần tương tự. Khi Đức cầm được bóng ở giữa sân, Mueller và cả Oezil cũng sẽ áp sâu vào hàng thủ của đối phương.

Hai cầu thủ chạy cánh Kimmich và Hector cũng dâng cao. Đội hình của Đức lập tức chia hẳn thành hai phần rõ rệt.

Cự ly giữa các tuyến là vô cùng bất hợp lý, khiến cho những người cầm bóng ở tuyến dưới cũng rất khó khăn nếu muốn chuyền ngắn.

Italy hầu như không bị kéo giãn đội hình, không bị xâm nhập trung tuyến trong phần lớn thời gian trận đấu.

Không bất ngờ khi bàn thắng của Đức đã đến trong một pha phối hợp từ biên, theo chiều ngang.

Đó là một trong những cách duy nhất để hai bên tạo ra nguy hiểm. Cả Đức và Italy đều đã chơi rất giống nhau, nhưng đó là một sự phí phạm cho Đức. Hai hệ thống 3-5-2 tương đồng đã trung hòa lẫn nhau.

Nhìn chung, trận đấu này cũng đã để lại những ấn tượng không thể rõ ràng hơn về trình độ tổ chức chiến thuật đáng để học hỏi của cả hai đội. Thật tiếc rằng, đó chỉ là một trận Tứ kết!./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục