Bộ Ngoại giao và Bộ Quốc phòng Đức ngày 4/9 đã có phiên giải trình trước Ủy ban an ninh-quốc phòng của Quốc hội Đức về những diễn biến mới nhất liên quan tới cuộc chiến chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS).
Lần đầu tiên hai bộ này đưa ra các bằng chứng cho thấy IS đã từng ít nhất một lần sử dụng khí mù tạt trong các đợt phản công của tổ chức này.
Trong khi đó, theo thông tin trên tờ Tấm gương (Spiegel) của Đức, mẫu máu của các binh sỹ người Kurd Peshmerga mà quân đội Đức thu được tại thành phố Erbil, thủ phủ của người Kurd ở miền Bắc Iraq sau cuộc tấn công của IS tại đây ngày 11/8 vừa qua đã được gửi tới Mỹ kiểm tra. Kết quả cho thấy mẫu thử có phản ứng dương tính với khí độc mù tạt.
Ngoài ra, các triệu chứng của những dân quân người Kurd Peshmerga sau khi bị thương cũng giống với việc bị nhiễm độc khí mù tạt khi những người này bị tức ngực, ho dữ dội và bỏng nhẹ khi gặp phải loại khí này.
Cho đến nay, các kết quả xét nghiệm chưa xác định được chính xác IS đã sử dụng khí mù tạt đến mức độ nào và quá trình kiểm tra để có đánh giá cụ thể sẽ cần thêm thời gian.
Theo đánh giá của Bộ Quốc phòng Đức, bất chấp kết quả xét nghiệm nói trên, hoạt động của những sỹ quan Đức tham gia huấn luyện cho binh sỹ người Kurd ở miền Bắc Iraq sẽ không bị đặt trong tình trạng "đặc biệt nguy hiểm."
Phía Đức cũng nhận định IS không đủ lực để tấn công toàn bộ khu vực Erbil bằng đạn pháo.
Khí độc mù tạt là loại khí độc nguy hiểm gây bỏng, khiến nạn nhân bị tàn tật hoặc ung thư.
Việc có những bằng chứng mới nhất chứng minh IS sử dụng khí mù tạt, dù có thể mới chỉ là một hàm lượng nhỏ, đã cho thấy mức độ leo thang nguy hiểm mới của cuộc chiến chống lại tổ chức khủng bố này./.