Đức hy vọng một thỏa thuận mới trong quan hệ với Mỹ sau bầu cử

Ngoại trưởng Maas cho biết Đức muốn một thỏa thuận mới trong quan hệ với Mỹ và sẵn sàng đầu tư vào tương lai này như một đối tác xuyên Đại Tây Dương để cùng nhau giải quyết vấn đề toàn cầu.
Ngoại trưởng Đức Heiko Maas. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Ngày 3/11, Ngoại trưởng Đức Heiko Maas chúc Mỹ có một cuộc bầu cử Tổng thống diễn ra trong "hòa bình" và công bằng, đồng thời cho biết Berlin sẽ tìm kiếm một thỏa thuận mới trong quan hệ với Washington sau khi có kết quả bầu cử.

Ngoại trưởng Maas nói: "Chúng tôi chúc tất cả người dân Mỹ một ngày bầu cử công bằng, tốt đẹp và trên hết là "hòa bình." Đây là một cuộc bầu cử mang tính bước ngoặt, quyết định đường hướng và vai trò của Mỹ trên thế giới."

Quan chức Đức đồng thời nhấn mạnh Berlin sẽ tìm kiếm một quan hệ đối tác xuyên Đại Tây Dương hiệu quả, cần thiết để giải quyết các vấn đề toàn cầu. Ông nói: "Chúng tôi muốn một thỏa thuận mới trong quan hệ đối tác này, và chúng tôi sẵn sàng đầu tư vào tương lai này như một đối tác xuyên Đại Tây Dương để cùng nhau giải quyết các vấn đề toàn cầu."

[Thủ tướng Đức nỗ lực làm dịu căng thẳng trong quan hệ với Mỹ]

Tương tự, cùng ngày, Phó Thủ tướng Đức Olaf Sholz bày tỏ hy vọng tương lai sẽ được đánh dấu bằng sự hòa giải và không chia rẽ. Ông nhấn mạnh Đức luôn ủng hộ một trật tự thế giới dựa trên giá trị, luật pháp và đa phương.

Các quan chức hàng đầu của Đức đưa ra tuyên bố trong Ngày Bầu cử chính thức tại Mỹ - 3/11. Dưới thời Tổng thống Trump, quan hệ giữa hai nước khá căng thẳng.

Trong khi đó, cùng ngày, lãnh đạo tối cao Iran, Đại Giáo chủ Ali Khamenei tuyên bố kết quả cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ sẽ không ảnh hưởng đến chính sách của Tehran đối với Washington.

Trong bài phát biểu phát trực tiếp trên truyền hình nhà nước, ông Khamenei nói: "Chính sách của chúng tôi đối với Mỹ được xác định rõ ràng và không thay đổi vì sự thay đổi nhân sự (tại Mỹ)."

Trong cương lĩnh tranh cử của mình, ứng cử viên tổng thống của đảng Dân chủ, ông Joe Biden cam kết quay trở lại thỏa thuận hạt nhân 2015 của Iran với 6 cưởng quốc nếu Iran tuân thủ thỏa thuận này.

Trong nhiệm kỳ của mình, năm 2018, Tổng thống Donald Trump đã rút Mỹ khỏi thỏa thuận này, tái áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Iran. Iran đã đáp lại bằng việc thu hẹp phạm vi tuân thủ thỏa thuận./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục