Ngày 30/3, Hội đồng cố vấn kinh tế độc lập của Chính phủ Đức đã hạ mức dự báo tăng trưởng trong năm 2022 của nước này, đồng thời cảnh báo xung đột Nga-Ukraine và giá năng lượng tăng cao là những yếu tố tác động mạnh tới nền kinh tế lớn nhất châu Âu.
Phóng viên TTXVN tại Berlin dẫn báo cáo mới nhất của Hội đồng cố vấn kinh tế cho biết Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Đức sẽ chỉ tăng 1,8% trong năm nay, thay vì mức 4,6% đưa ra hồi tháng 11 năm ngoái. Hội đồng nhận định: “Chiến dịch quân sự của Nga tại Ukraine và giá năng lượng đang làm xấu đi triển vọng kinh tế. Sự phụ thuộc quá lớn vào nguồn cung năng lượng của Nga có thể dẫn đến rủi ro đáng kể đối sản lượng kinh tế, thậm chí là suy thoái với tỷ lệ lạm phát cao hơn nhiều.”
Theo các nhà kinh tế, Đức cần thực hiện mọi biện pháp đề phòng khả năng Nga cắt nguồn cung, cũng như nhanh chóng giảm sự phụ thuộc vào các nguồn năng lượng của Nga.
Về lâu dài, mục tiêu hàng đầu là đảm bảo an ninh năng lượng, bằng những bước đi phản ánh chính sách của chính phủ như mở rộng năng lượng tái tạo và đa dạng nguồn nhập khẩu.
Do chi phí năng lượng và gián đoạn chuỗi cung ứng tiếp tục đẩy giá cả trên thế giới tăng cao, các chuyên gia kinh cho rằng lạm phát của Đức có thể tăng lên mức cao nhất trong nhiều thập kỷ qua, là 6,1% trong năm 2022.
[Đức giảm mạnh dự báo tăng trưởng kinh tế do xung đột Nga-Ukraine]
Theo Hội đồng cố vấn kinh tế của Chính phủ Đức, cuộc xung đột ở Ukraine còn có thể làm chệch hướng các mục tiêu kiểm soát đại dịch COVID-19, khiến dịch bệnh thậm chí có thể bùng phát trở lại tại Đức.
Với các ngành công nghiệp định hướng xuất khẩu, Đức đặc biệt dễ bị tổn thương do các nút thắt trong chuỗi cung ứng và tình trạng thiếu nguyên liệu thô do đại dịch gây ra, và sự phục hồi của nước này chậm hơn so với các nền kinh tế lớn khác ở châu Âu như Pháp và Italy.
Các hãng ôtô lớn của Đức như Volkswagen và Mercedes-Benz cũng đã buộc phải cắt giảm sản lượng tại một số nhà máy do thiếu các phụ tùng quan trọng từ Ukraine, trong khi xuất khẩu sang Nga bị tạm dừng.
Đức cũng phụ thuộc nhiều hơn các nước châu Âu khác vào dầu mỏ, khí đốt và than đá của Nga. Theo thống kê, Đức nhập khẩu 55% khí đốt tự nhiên, 50% than và khoảng 35% dầu mỏ từ Nga./.