Đức hoài nghi việc triển khai liên minh đảm bảo an ninh Eo biển Hormuz

Phó Thủ tướng Đức cho biết điều quan trọng là phải tránh được xung đột quân sự, tuy nhiên đề nghị của Mỹ tham gia sứ mệnh đảm bảo an toàn hàng hải thậm chí có nguy cơ gây ra cuộc xung đột lớn hơn.
Đức hoài nghi việc triển khai liên minh đảm bảo an ninh Eo biển Hormuz ảnh 1Một tàu chở dầu hướng tới Eo biển Hormuz ở ngoài khơi thành phố cảng Khasab, miền Bắc Oman. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Ngày 31/7, phát biểu trước báo giới về việc Mỹ đề nghị Đức tham gia sứ mệnh đảm bảo an toàn hàng hải qua Eo biển Hormuz, ngoài khơi bờ biển Iran, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Tài chính Đức Olaf Scholz cho biết ông rất hoài nghi về một sứ mệnh như vậy, đồng thời kêu gọi một sự thận trọng, tránh để căng thẳng leo thang hơn nữa tại vùng Vịnh.

Phó Thủ tướng Olaf Scholz nói: “Mục tiêu của tất cả các chính trị gia có trách nhiệm là phải rất tỉnh táo và thận trọng xem xét tình hình, tránh để rơi vào khủng hoảng lớn hơn."

Theo ông, nước Đức "sẽ làm tất cả những gì có thể để ngăn chặn sự leo thang căng thẳng hơn nữa tại vùng Vịnh."

[Mỹ chính thức yêu cầu Đức tham gia sứ mệnh bảo vệ Eo biển Hormuz]

Nói về đề nghị của phía Mỹ, Phó Thủ tướng Đức cho biết điều quan trọng là phải tránh được xung đột quân sự trong khu vực, tuy nhiên đề nghị của Mỹ tham gia sứ mệnh đảm bảo an toàn hàng hải qua Eo biển Hormuz thậm chí có nguy cơ kéo các bên vào một cuộc xung đột lớn hơn.

Theo ông, điều này giải thích tại sao đó không phải là "ý tưởng tốt.”

Ngày 30/7, người phát ngôn Đại sứ quán Mỹ tại Đức Tamara Sternberg-Greller cho biết Washington đã chính thức đề nghị Đức tham gia cùng với Pháp và Anh nhằm hỗ trợ đảm bảo an ninh ở Eo biển Hormuz.

Trước đó ngày 25/7, Mỹ cho biết nước này đã mời Anh, Pháp, Đức, Australia, Na Uy, Hàn Quốc, Nhật Bản cùng nhiều nước khác tham gia một liên minh quốc tế để đảm bảo an ninh ở Eo biển Hormuz.

Mỹ cũng đang phát triển một khuôn khổ an ninh hàng hải quốc tế có tên Chiến dịch Canh gác tại Vịnh Persia, Eo biển Hormuz, Eo biển Bab el-Mandeb và Vịnh Oman sau một loạt vụ tấn công vào các tàu chở dầu gần đây.

Tuy nhiên, theo người phát ngôn Bộ Ngoại giao Đức, quân đội nước này chưa sẵn sàng tham gia kế hoạch tuần tra bảo đảm an ninh hàng hải tại Eo biển Hormuz.

Theo quy định của Hiến pháp Đức, việc điều động quân đội Đức hoạt động ở nước ngoài sẽ do Quốc hội Đức quyết định, tương tự như các sứ mệnh gìn giữ hòa bình tại Trung Đông và châu Phi, cũng như chiến dịch chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng mà nước này đã tham gia./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục