Ngày 18/1, các chính trị gia của Đức đã bày tỏ thái độ hoài nghi trước những đề xuất cải tổ và thay đổi các chương trình do thám của Tổng thống Mỹ Barack Obama, đồng thời khẳng định rằng Đức cần tiếp tục thúc đẩy thỏa thuận không do thám lẫn nhau với Mỹ.
Phát biểu trước truyền thông, Bộ trưởng Tư pháp Đức Heiko Maas cho biết Tổng thống Mỹ đã thực hiện "bước đi đầu tiên" trong kế hoạch rút lại một số chương trình do thám của Mỹ. Tuy nhiên, niềm tin đã mất chỉ có thể xây dựng lại bằng cách ký một thỏa thuận ràng buộc pháp lý với Mỹ để bảo vệ dữ liệu cá nhân cho tất cả công dân Đức.
Trong khi đó, Nghị sĩ Quốc hội Đức Philipp Missfelder, người có thể trở thành điều phối viên xuyên Đại Tây Dương của Đức trong tương lai, cũng lên tiếng ủng hộ một thỏa thuận không do thám lẫn nhau giữa Đức và Mỹ, đồng thời đánh giá quá trình cải cách đã được lên kế hoạch của Tổng thống Obama đòi hỏi một cơ sở pháp lý mới sẽ là quá trình rất khó khăn.
Cùng ngày, phát biểu với báo giới, Chủ tịch Ủy ban quốc hội Đức Wolfgang Bosbach cho biết ông không hy vọng nhiều về sự thay đổi trong hoạt động "nghe trộm" của Mỹ và bày tỏ quan ngại rằng rồi Mỹ sẽ tiếp tục thu thập dữ liệu của các chính phủ nước ngoài cũng như các nước đồng minh. Trước đó, người phát ngôn chính phủ Đức Steffen Seibert tuyên bố chính phủ Đức sẽ phân tích chi tiết bài phát biểu của ông Obama.
Phản ứng trước những lo ngại gia tăng từ Đức, ngày 18/1, Tổng thống Obama đã tìm cách trấn an Thủ tướng Đức và khẳng định sẽ không để hoạt động do thám làm phương hại tới mối quan hệ hữu nghị và tin cậy giữa ông và Thủ tướng Angela Merkel.
Trả lời phỏng vấn đài truyền hình ZHF của Đức tối 18/1, người đứng đầu Nhà Trắng khẳng định ông không muốn mối quan hệ tốt đẹp Đức-Mỹ bị tổn hại vì một cơ chế giám sát, gây trở ngại cho việc liên lạc và niềm tin giữa hai bên. Ông Obama tuyên bố "Chừng nào tôi còn là Tổng thống Mỹ thì Thủ tướng Đức sẽ không phải lo ngại về vấn đề này."
Ngày 17/1, Tổng thống Mỹ đã có bài phát biểu dài 40 phút thông báo một loạt thay đổi trong chương trình do thám của NSA, theo đó cam kết sẽ bảo vệ tốt hơn quyền riêng tư của các công dân nước ngoài; chấm dứt gần hết hoạt động theo dõi các nước đồng minh; không nghe lén lãnh đạo các nước đồng minh và thân cận của Mỹ “trừ phi vì lý do an ninh quốc gia" và tiến hành giám sát tư pháp việc chính phủ thu thập thông tin hàng triệu cuộc gọi điện thoại của người dân Mỹ...
Tuy nhiên, Tổng thống Mỹ cũng nhấn mạnh rằng các cơ quan tình báo Hoa Kỳ sẽ tiếp tục thu thập thông tin để biết những ý định của các chính phủ trên thế giới. Ông cho rằng một cơ quan tình báo sẽ trở nên vô nghĩa nếu bị hạn chế để biết được những điều mà người dân có thể tìm thấy trên các báo như NewYork Times hay Der Spiegel...
Mối quan hệ giữa Đức-Mỹ trở nên căng thẳng bởi những tiết lộ "động trời" của cựu nhân viên NSA Edward Snowden liên quan đến chương trình do thám trên diện rộng của tình báo Mỹ, bao gồm việc nghe lén điện thoại di động của Thủ tướng Đức Angela Merkel. Như một hệ quả sau vụ bê bối gián điệp của Mỹ, hai bên đã đồng ý đàm phán về một thỏa thuận không do thám lẫn nhau.
Vài ngày trước, phương tiện truyền thông Đức đã thông báo rằng cuộc đàm phán Đức-Mỹ về thỏa thuận này đứng trước nguy cơ đổ vỡ. Tuy nhiên, trái với những lập luận sốt sắng từ giới truyền thông Đức, cả hai nước ngay sau đó đã bác bỏ thông tin trên và khẳng định các cuộc đàm phán về một hiệp định không do thám lẫn nhau giữa hai bên vẫn đang có chiều hướng tiến triển./.