Đức: Hàng chục nghìn người ký tên phản đối phong trào PEGIDA

Bộ trưởng Nội vụ Thomas de Maiziere cho rằng những người tham gia biểu tình PEGIDA đều bị xếp là lực lượng cực hữu.
Phong trào PEGIDA tổ chức tuần hành ở nhiều thành phố của Đức. (Nguồn: DPA)

Tình trạng kỳ thị, bài ngoại hiện là vấn đề đáng lo ngại ở Đức, đặc biệt khi xuất hiện phong trào "Người châu Âu yêu nước phản đối Hồi giáo hóa phương Tây" (PEGIDA). Tuy thu hút được nhiều người tham gia, song phong trào này đang ngày càng bị nhiều tổ chức, hội đoàn và tầng lớp xã hội lên án.

Thủ tướng, bộ trưởng các bộ Tư pháp, Nội vụ và lãnh đạo đảng Xanh, đảng Cánh tả đã lên án phong trào này. Thủ tướng Angel Merkel cảnh báo những người ủng hộ PEGIDA không nên để mình bị biến thành công cụ của trào lưu kỳ thị người nước ngoài.

Thủ tướng Merkel nói: "Tuy có thể tự do biểu tình ở Đức, song không có chỗ cho việc kích động và xúc phạm những người đến với chúng ta từ những nước khác". Bà khẳng định Chính phủ liên bang Đức sẽ phối hợp chặt chẽ với các bang và các địa phương để đảm bảo cho số lượng lớn người xin tị nạn.

Bộ trưởng Nội vụ Thomas de Maiziere cho rằng những người tham gia biểu tình PEGIDA đều bị xếp là lực lượng cực hữu, trong khi Bộ trưởng Tư pháp Heiko Maas gọi phong trào PEGIDA là "vết nhơ với nước Đức". Trong bức thông điệp mừng Giáng sinh, Tổng thống Joachim Gauck cũng kêu gọi mở rộng lòng nhân ái với những người xin tị nạn ở Đức.

Trong ngày 23/12, một cá nhân đã phát động phong trào ký tên trực tuyến trên trang change.org/nopegida để phản đối PEGIDA và chỉ trong vài ngày qua đã thu hút được gần 29.500 người phản đối phong trào trên. Mục đích của trang này là thu hút được 1 triệu người phản đối PEGIDA, ủng hộ một nước Đức đa sắc màu.

Theo số liệu thống kê của Cục Nhập cư và Tị nạn Đức (BAMF), hiện ở nước này có khoảng 4 triệu người Hồi giáo, chiếm khoảng 5% tổng dân số. Trong 11 tháng đầu năm đã có gần 181.500 đơn xin tị nạn, trong đó người gốc Syria chiếm nhiều nhất với 34.144 đơn.

Trong thời gian này cũng có khoảng 38.300 đơn xin tị nạn bị bác. Riêng trong tháng 11/2014 có 18.748 đơn xin tị nạn được nộp cho các cơ quan hữu quan Đức, trong đó người Syria chiếm lớn nhất với trên 27%, tiếp đó là người Serbia (11%) và Kosovo (7%)./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục