Đức hạ dự báo tăng trưởng kinh tế năm 2020 từ 1,5% xuống còn 1%

Chính phủ Đức ngày 17/10 đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế nước này trong năm 2020 từ 1,5% xuống còn 1% do các tác động tiêu cực của tình trạng xung đột thương mại trên thế giới.
Đức hạ dự báo tăng trưởng kinh tế năm 2020 từ 1,5% xuống còn 1% ảnh 1Ảnh chỉ có tính minh họa. (Nguồn: Fortune)

Chính phủ Đức ngày 17/10 đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế nước này trong năm 2020 từ 1,5% xuống còn 1% do các tác động tiêu cực của tình trạng xung đột thương mại trên thế giới, Vương quốc Anh rời Liên minh châu Âu (EU), còn gọi là Brexit, và những bất ổn bên ngoài khác.

Tuy vậy, Bộ trưởng Kinh tế Đức Peter Altmaier cho rằng nền kinh tế Đức hiện không có nguy cơ rơi vào khủng hoảng. Theo ông Altmaier, các lĩnh vực hướng tới xuất khẩu của Đức đang gặp trở ngại song “tăng trưởng trong nước vẫn không bị ảnh hưởng với việc làm và thu nhập đều tăng. Còn với năm 2019, Đức dự kiến nền kinh tế trong nước sẽ tăng trưởng 0,5%. Trước đó, kinh tế Đức đã tăng trưởng 2,2% năm 2017 và 1,4% năm 2018.

[Brexit không thỏa thuận sẽ là đòn giáng mạnh vào kinh tế Đức]

Mức thặng dư thương mại cao của Đức đã sụt giảm kể từ khi cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung Quốc xảy ra. Trong khi đó, các rủi ro đối với thương mại quốc tế như sự bất ổn liên quan tới Brexit, cũng đang ảnh hưởng tiêu cực tới nền kinh tế Đức.

Ngày càng nhiều doanh nghiệp lớn ở Đức thông báo sa thải lao động hoặc cắt giảm giờ làm việc của người lao động trong khi tăng trưởng việc làm và những chỉ số kinh tế khác của nước này cho thấy sự “giảm tốc.

Theo kế hoạch, Ngân hàng trung ương Đức (Bundesbank) trong tháng 11/2019 sẽ công bố số liệu về kinh tế nước này trong quý III/2019 với dự kiến có sự sụt giảm trong quý thứ hai liên tiếp, đồng nghĩa với nền kinh tế lớn nhất châu Âu đang trong tình trạng suy thoái về mặt kỹ thuật.

Trước đó, kinh tế Đức đã sụt giảm 0,1% trong quý II/2019. Nếu kịch bản trên diễn ra thì đây sẽ là đợt suy thoái kinh tế đầu tiên của Đức trong 9 năm qua, kết thúc một thập niên tăng trưởng “vàng” của nước này kể từ sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục