Đức: EU không có đường lùi nếu không thực hiện gói phục hồi chung

Bộ trưởng Tài chính Đức Olaf Scholz nhận định gói phục hồi tài chính của EU được tài trợ thông qua việc vay nợ chung là bước tiến thực tiễn đối với cả Đức và châu Âu và mang tính lâu dài.
Bộ trưởng Tài chính Đức Olaf Scholz. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Bộ trưởng Tài chính Đức Olaf Scholz. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Bộ trưởng Tài chính Đức Olaf Scholz ngày 23/8 nhận định gói phục hồi tài chính của Liên minh châu Âu (EU) được tài trợ thông qua việc vay nợ chung là biện pháp lâu dài chứ không phải là biện pháp khắc phục khủng hoảng dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 trong ngắn hạn.

Phát biểu với tập đoàn truyền thông Funke, ông Scholz, hiện cũng là ứng cử viên đảng Dân chủ Xã hội (SPD) trung tả kế nhiệm Thủ tướng Angela Merkel trong cuộc bầu cử năm 2021, tuyên bố: "Quỹ phục hồi là bước tiến thực tiễn đối với cả Đức và châu Âu, một bước mà chúng ta sẽ không có đường lùi."

Theo ông Scholz, các bước được thực hiện theo kế hoạch trên, bao gồm các thành viên EU nhất trí cùng phát hành nợ, được xem là những thay đổi lớn nhất kể từ khi đồng tiền chung châu Âu (euro) ra đời vào đầu năm 2000.

Ông Olaf Scholz cho rằng: "Những bước đi này chắc chắn sẽ tạo ra một cuộc tranh luận về các nguồn lực chung cho EU và cũng là điều kiện để tạo ra một EU tốt hơn, hoạt động hiệu quả hơn."

Đây là lần đầu tiên, giới lãnh đạo EU bật đèn xanh cho "khoản nợ chung," một sáng kiến của Đức trước đó từng bị bác bỏ trước khi xảy ra đại dịch COVID-19 toàn cầu khiến nhiều nền kinh tế châu Âu vừa trải qua gần thập kỷ vật lộn vượt qua cuộc khủng hoảng tài chính càng trở nên khó khăn hơn.

Mặc dù vậy, ông Scholz nhấn mạnh thêm rằng việc bỏ phiếu ở cấp độ EU nên được cải tổ để đưa ra những quyết định sớm hơn. "EU phải có khả năng hành động tập thể."

[Pháp lùi thời điểm công bố kế hoạch phục hồi kinh tế 100 tỷ euro]

Trước đó, các nhà lãnh đạo EU chia rẽ về đề xuất ngân sách dài hạn 1.074 tỷ euro (gần 1.200 tỷ USD) và quỹ phục hồi kinh tế hậu COVID-19 trị giá 750 tỷ euro (khoảng 856 tỷ USD) nhằm mục tiêu khắc phục những thiệt hại do cuộc khủng hoảng COVID-19, cải tổ nền kinh tế và định hình lại xã hội trên tinh thần đồng nhất, thích ứng và chuyển đổi.

Đề xuất liên quan tới gói phục hồi 750 tỷ euro vấp phải sự phản đối mạnh mẽ của các nước thành viên chủ trương tiết kiệm chi tiêu như Hà Lan, Áo, Thụy Điển và Đan Mạch.

Trợ lý cấp cao của Thủ tướng Thụy Điển Stefan Lofven cho biết nhóm "Frugals," gồm 4 quốc gia trên, chỉ sẵn sàng chấp nhận khoản hỗ trợ tối đa là 350 tỷ euro, thậm chí là có điều kiện đi kèm.

Nhằm phá vỡ thế bế tắc để tránh các cuộc đàm phán đổ vỡ, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel đưa ra một đề xuất được các nhà ngoại giao đánh giá là "con đường hướng tới một thỏa thuận," theo đó, ông đề xuất khoản hỗ trợ 390 tỷ euro đi kèm một số khoản tiền nhỏ hoàn lại cho nhóm "Frugals."

Đề xuất mới này sau đó đã nhận được sự đồng thuận của lãnh đạo Áo và Hà Lan, nhưng vẫn cần nhận được sự nhất trí của 27 nước thành viên để sau đó thông qua tại EP./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục