Ngày 15/5, cảnh sát Đức đã bắt giữ 120 người sau các cuộc đụng độ bạo lực giữa các nhà hoạt động môi trường và nhân viên an ninh trong các cuộc biểu tình phản đối việc sử dụng than đá ở Lausitz, miền Đông nước này.
Một người phát ngôn của cảnh sát cho biết các cuộc đụng độ xảy ra tại Lausitz trong ngày 14/5 khi khoảng 300 người biểu tình đã xông vào nhà máy nhiệt điện Schwarze Pumpe thuộc sở hữu tập đoàn năng lượng khổng lồ Vattenfall của Thụy Điển.
Một nhóm các nhà hoạt động môi trường đã tấn công nhân viên bảo vệ, ném pháo sáng, phá hàng rào và xông vào nhà máy này. Hai người biểu tình đã bị thương và phải nhập viện trong vụ đụng độ. Trong khi đó, ẩu đả cũng đã nổ ra giữa những người biểu tình ủng hộ và phản đối việc sử dụng than đá tại nhà máy Schwarze Pumpe.
Ngày 13/5, những người biểu tình thuộc liên minh phản đối việc sử dụng than đá và hạt nhân "Ende Gelaende" đã ngăn cản các hoạt động khai thác của mỏ than Welzow-Sued, đồng thời chặn một số chuyến tàu hỏa vận chuyển than đá tới nhà máy Schwarze Pumpe, buộc nhà máy này phải giảm sản lượng.
Các cuộc biểu tình trên là một phần trong chiến dịch mang tên "Break Free" do tổ chức Hòa bình Xanh (Greenpeace) và nhóm các nhà môi trường khác từ các nước như Mỹ, Canada và Brazil phát động từ đầu tháng này tại Đức, nhằm phản đối việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch.
Nhà tổ chức biểu tình cho biết hơn 2.000 người từ một số nước châu Âu khác nhau đã tham gia biểu tình và chặn các tuyến đường sắt vận chuyển than tới nhà máy Schwarze Pumpe trong hơn 40 giờ. Hiện những người này đang thảo luận khả năng sẽ kéo dài cuộc biểu tình.
Đức dù đã lên kế hoạch đóng cửa tất cả các nhà máy điện hạt nhân vào năm 2022 và 42% điện năng tiêu thụ của nền kinh tế hàng đầu châu Âu này là từ than đá - vốn là nguồn nhiên liệu hóa thạch có nguy cơ gây hiệu ứng nhà kính cao nhất./.