Đức đưa Áo vào danh sách khu vực nguy cơ dịch COVID-19 cao

Hành khách đến từ Áo khi nhập cảnh vào Đức phải thực hiện cách ly nếu họ chưa được tiêm vaccine ngừa COVID-19 hoặc không phải là bệnh nhân đã bình phục sau khi mắc COVID-19.
Đức đưa Áo vào danh sách khu vực nguy cơ dịch COVID-19 cao ảnh 1Người dân xếp hàng chờ tiêm vaccine phòng COVID-19 tại Vienna, Áo, ngày 10/11/2021. (Ảnh: THX/TTXVN)

Từ ngày 14/11 tới, Đức sẽ đưa Áo vào danh sách khu vực có nguy cơ cao về dịch COVID-19.

Trao đổi với báo giới, Bộ trưởng Y tế Đức Jens Spahn cho biết việc phân loại này đồng nghĩa hành khách đến từ Áo khi nhập cảnh vào Đức phải trải qua quy trình cách ly nếu họ chưa được tiêm vaccine ngừa COVID-19 hoặc không phải là bệnh nhân đã bình phục sau khi mắc COVID-19.

Bộ trưởng Spahn cũng cho biết từ ngày 13/11, Đức sẽ tái áp dụng việc xét nghiệm miễn phí virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19. Kể từ ngày 16/11 tới, các bác sỹ cũng sẽ nhận được khoản tiền hoàn trả cao hơn cho việc tiêm chủng.

Thông báo trên được Bộ trưởng Spahn đưa ra trong bối cảnh Đức ghi nhận tỷ lệ xét nghiệm virus SARS-CoV-2 có kết quả dương tính ở mức cao nhất kể từ đầu dịch tới nay.

[Vì sao biến thể Delta lây lan nhanh hơn so với Alpha tại vùng England?]

Số liệu của Viện dịch tễ Robert Koch (RKI) cho thấy trong tuần từ ngày 1-7/11, tỷ lệ xét nghiệm PCR dương tính ở Đức là 16,03% - cao chưa từng thấy kể từ đầu dịch tới nay, và tăng mạnh so với tỷ lệ 12,2% ghi nhận tuần trước đó.

Theo số liệu của các cơ quan y tế Đức, trong 24 giờ qua, nước Đức (trừ bang Schleswig-Holstein chưa có số liệu) ghi nhận 49.162 ca mắc mới COVID-19, đưa tổng số ca mắc tại nước này từ đầu dịch lên hơn 4,91 triệu ca.

Số ca tử vong cũng tăng thêm 212 ca, lên tổng cộng 97.244 ca. Trong bối cảnh tình hình dịch bệnh diễn biến ngày càng phức tạp, RKI khuyến cáo khẩn cấp huỷ hoặc tránh các sự kiện lớn có đông người tham gia, cũng như hạn chế tối đa các tiếp xúc không cần thiết.

Các nhà khoa học hàng đầu ở Đức nhận định việc nhanh chóng tiến hành tiêm mũi tăng cường cho một nửa dân số có thể giúp nước Đức phá vỡ làn sóng lây nhiễm thứ 4 hiện nay.

Một phân tích của Viện khoa học Max-Planck cho biết việc tiêm mũi thứ ba cho 50% dân số đã tiêm 2 mũi có thể "bù đắp" một phần những tác động tiêu cực về mặt dịch tễ học do tỷ lệ người chưa tiêm chủng tương đối cao hiện nay.

Tuy nhiên, để làm được điều này, chiến dịch tiêm chủng mũi tăng cường sẽ phải được triển khai nhanh hơn đáng kể so với các chiến dịch tiêm mũi thứ nhất và thứ hai hồi mùa Hè./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục