Đức: Đồng chủ tịch đảng cực hữu AfD tuyên bố rời khỏi đảng

Đồng Chủ tịch đảng Sự lựa chọn vì nước Đức (AfD) theo đường lối cực hữu và dân túy, bà Frauke Petry, tuyên bố rời khỏi đảng này song không nêu rõ thời điểm.
Bà Frauke Petry. (Nguồn: Reuters)

Ngày 26/9, đồng Chủ tịch đảng Sự lựa chọn vì nước Đức (AfD) theo đường lối cực hữu và dân túy, bà Frauke Petry, đã tuyên bố rời khỏi đảng này.

Truyền thông Đức dẫn lời bà Petry cho biết việc rời AfD là một "quyết định rõ ràng" song không nêu rõ thời điểm bà sẽ rời đảng. Hiện AfD chưa bình luận về thông tin trên.

Cùng ngày, một nhà lập pháp khu vực cho biết phát biểu tại một phiên họp của đảng AfD tại bang North Rhine-Westphalia, ông Marcus Pretzell, một thành viên cấp cao của AfD và là chồng của bà Petry, cũng cho biết ông muốn rời nhóm nghị sỹ của đảng này tại Quốc hội Đức (Bundestag) cũng như rời AfD. Ông Pretzell chưa bình luận về thông tin trên.

Trước đó một ngày, bà Frauke Petry đã tuyên bố bà sẽ không tham gia nhóm nghị sĩ của đảng này tại Quốc hội Đức do bất đồng gay gắt với đồng nghiệp. Quyết định của bà Petry đã khiến các đồng nghiệp bất ngờ, đồng thời cho thấy sự mâu thuẫn trong nội bộ đảng AfD vốn vừa giành vị trí thứ 3 trong cuộc bầu cử Quốc hội Liên bang Đức vừa qua.

["Châu Âu cần một chính phủ Đức mạnh mẽ hơn bao giờ hết"]

Bà Petry đã thẳng thắn chỉ trích một trong hai ứng cử viên hàng đầu của AfD, ông Alexander Gauland, sau khi ông này tuyên bố AfD sẽ "theo dõi sát" Thủ tướng Angela Merkel và chính phủ của bà.

Trong một diễn biến khác, ngày 26/9, truyền thông Đức cho biết đảng Dân chủ Tự do (FDP) muốn sắp xếp lại vị trí chỗ ngồi của các đảng trong Quốc hội Đức để tránh ở bên cạnh đảng AfD. FDP sẽ đề nghị với "hội đồng trưởng lão," nhóm chịu trách nhiệm sắp xếp vị trí các đảng trong Quốc hội, để đảng này ở vị trí giữa liên đảng Liên minh Dân chủ/Xã hội Cơ đốc giáo (CDU/CSU) và đảng Xanh. Ba đảng này được cho là sẽ "bắt tay" để thành lập chính phủ liên minh mới của Đức.

Lần đầu tiên giành ghế trong Quốc hội Đức, vị trí của đảng AfD trong Quốc hội đang là một chủ đề gây tranh cãi. Khu vực chỗ ngồi khác nhau trong Quốc hội Đức phản ánh các giá trị chính trị khác nhau.

Theo quy định, "hội đồng trưởng lão" phải được thành lập trong vòng 30 ngày sau bầu cử, tức là trước ngày 24/10 tới, để sắp xếp vị trí các đảng trong phòng họp Quốc hội./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục