Đức điều tra hãng xe Opel về hành vi gian lận khí thải

Ngày 15/10, hãng xe Opel của Pháp đã trở thành cái tên mới nhất bị đưa ra ánh sáng về hành vi gian lận khí thải, sau khi nhà chức trách Đức tiến hành khám xét hai nhà máy của hãng này.
Đức điều tra hãng xe Opel về hành vi gian lận khí thải ảnh 1Trụ sở của Opel tại Ruesselsheim, Đức. (Nguồn: Reuters)

Ngày 15/10, hãng xe Opel của Pháp đã trở thành cái tên mới nhất bị đưa ra ánh sáng về hành vi gian lận khí thải, sau khi nhà chức trách Đức tiến hành khám xét hai nhà máy của hãng này.

Công tố viên cấp cao Nadja Niesen cho biết Cục Giao thông vận tải liên bang Đức (KBA) đã cáo buộc Opel bán xe cài phần mềm gian lận khí thải.

Theo công tố viên Niesen, trên toàn châu Âu, ước tính khoảng 95.000 xe của Opel đang bị tình nghi cài phần mềm này.

Năm ngoái, cùng với Vauxhall, Opel - hãng xe có 150 năm lịch sử này - đã được PSA (Pháp) mua lại sau nhiều thập kỷ thuộc sở hữu của tập đoàn General Motors (Mỹ).

Tháng 7 vừa qua, Bộ Giao thông Đức thông báo sẽ thẩm vấn giới chức Opel về 3 mẫu xe mới nhất của hãng liên quan đến tiêu chuẩn khí thải "Euro 6."

Trong một tuyên bố, Bộ Giao thông Đức cho hay sẽ sớm chính thức yêu cầu thu hồi các mẫu xe Cascada, Insignia và Zafira của Opel bị phát hiện cài đặt thiết bị gian lận khí thải.

[Đa số xe động cơ diesel ở Đức không đảm bảo tiêu chuẩn khí thải]

Theo bộ này, Opel đã liên tục trì hoãn phiên điều trần vì lý do kỹ thuật. Bộ cũng cáo buộc Opel chậm trễ trong việc cập nhật phần mềm đối với các thiết bị gian lận được phát hiện trong các mẫu xe đời cũ vào cuối năm 2015.

Về phần mình, Opel thừa nhận đang có cuộc điều tra về hành vi gian lận khí thải, với việc khám xét hai nhà máy tại Ruesselsheim và Kaiserslautern.

Hãng xe này khẳng định đang hợp tác đầy đủ với nhà chức trách, đồng thời khẳng định công ty luôn tuân thủ các quy định.

Opel xác nhận hơn 22.000 xe của hãng đã được cập nhật phần mềm, khiến con số nằm trong diện có nguy cơ bị thu hồi còn gần 9.200 xe.

Đây là vụ việc mới nhất sau vụ bê bối gian lận khí thải năm 2015 của Volkswagen đã đẩy các dòng xe động cơ diesel vào "tầm ngắm" của Chính phủ Đức.

Trong vụ bê bối này, Volkswagen đã thừa nhận giảm bớt thông số khí NOx thải ra môi trường so với thực tế của 11 triệu xe đã bán trên toàn thế giới.

Volkswagen đã phải chi 14,7 tỷ USD để khắc phục hậu quả bê bối, bao gồm khoản tiền đền bù và thanh toán chi phí sửa chữa, nâng cấp ở Mỹ.

Tổng thiệt hại của Volkswagen trong vụ bê bối này là 31 tỷ USD./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục