Đức đền bù gần 3 tỷ USD cho các công ty vận hành nhà máy điện hạt nhân

Sau thảm họa động đất và sóng thần khiến 3 lò phản ứng hạt nhân tan chảy ở nhà máy Fukushima của Nhật Bản hồi năm 2011, Thủ tướng Đức Angela Merkel thông báo nước này đặt mục tiêu vào cuối năm 2022.
Đức đền bù gần 3 tỷ USD cho các công ty vận hành nhà máy điện hạt nhân ảnh 1Một nhà máy điện hạt nhân ở Đức. (Nguồn: ft.com)

Chính phủ Đức sẽ đền bù tổng cộng 2,4 tỷ euro (2,9 tỷ USD) cho các công ty năng lượng bị ảnh hưởng do việc đóng cửa các nhà máy năng lượng hạt nhân sau sự cố hạt nhân Fukushima ở Nhật Bản hồi năm 2011.

Trong tuyên bố chung, các Bộ Môi trường, Tài chính và Kinh tế Đức cho biết chính phủ đã đạt được thỏa thuận với các công ty năng lượng EnBW, E.ON/PreussenElektra, RWE và Vattenfall. Theo đó, chính phủ sẽ bồi thường tổng cộng 2,428 tỷ euro cho 4 công ty trên, tất cả đều vận hành các nhà máy điện hạt nhân ở Đức.

Các khoản tiền đền bù này, được nhất trí sau cuộc chiến pháp lý kéo dài giữa chính phủ và các công ty năng lượng, sẽ bao gồm cả các khoản đầu tư mà các công ty đã thực hiện trước khi Chính phủ Đức quyết định loại bỏ điện hạt nhân.

Sau thảm họa động đất và sóng thần khiến 3 lò phản ứng hạt nhân tan chảy ở nhà máy Fukushima của Nhật Bản hồi năm 2011, một làn sóng kêu gọi loại bỏ các nhà máy điện hạt nhân đã nổi lên ở Đức và nhiều nước châu Âu, vốn đang phụ thuộc loại năng lượng này.

[Đa số người Nhật ủng hộ giảm hoặc loại bỏ các nhà máy điện hạt nhân]

Tháng 5/2011, Thủ tướng Đức Angela Merkel thông báo nước này đã đặt mục tiêu vào cuối năm 2022 sẽ loại bỏ hoàn toàn các nhà máy điện hạt nhân.

Bên cạnh việc "chia tay" năng lượng hạt nhân, Đức cũng đã bắt tay vào kế hoạch loại bỏ dần than đá trong sản xuất điện vào năm 2038 và đã cam kết hỗ trợ 4,35 tỷ euro cho các tập đoàn năng lượng RWE và LEAG vì mất lợi nhuận.

Hồi tháng 7 năm ngoái, lưỡng viện Quốc hội Đức đã thông qua dự luật đến năm 2038 đóng cửa nhà máy năng lượng than đá cuối cùng và chi 40 tỷ euro (45 tỷ USD) để hỗ trợ những khu vực bị ảnh hưởng về chuyển đổi này.

Điều này nằm trong nỗ lực “chuyển tiếp năng lượng” của Đức để xa rời năng lượng hoá thạch và hướng tới mục tiêu mọi năng lượng sản xuất tại quốc gia này sẽ khai thác từ nguồn có thể tái tạo.

Giới quan sát nhận định việc đạt được mục tiêu này đối với Đức còn khó khăn hơn so với Pháp và Anh vì Berlin cam kết đến cuối năm 2022 loại bỏ cả các nhà máy năng lượng hạt nhân./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục