Truyền thông Đức ngày 27/3 đưa tin nước này đã đề xuất sử dụng dữ liệu lớn và theo dõi vị trí để cách ly những người nhiễm virus SARS-CoV-2, trong bối cảnh các biện pháp dãn cách xã hội đã và đang mang lại hiệu quả trong việc kìm hãm tốc độ lây lan của dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19.
Bộ Nội vụ Đức đã đưa ra khuyến nghị trên sau khi Hàn Quốc tiến hành xét nghiệm trên diện rộng virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19 và sử dụng dữ liệu vị trí trên điện thoại thông minh để theo dõi những người đã từng tiếp xúc với những người mắc bệnh.
[Người Hàn Quốc dựa vào bản đồ số để theo dõi virus SARS-COV-2 lây lan]
Tờ Der Spiegel và Sueddeutsche Zeitung đã dẫn nghiên cứu mang tên "Cách thức chúng ta kiểm soát COVID-19," xem xét kịch bản trong đó việc thử nghiệm sẽ được tiến hành trong những tuần tới, với các trạm kiểm tra điện thoại di động và cách ly nghiêm ngặt những người mắc bệnh.
Nghiên cứu nêu rõ để quá trình thử nghiệm nhanh và hiệu quả hơn, việc sử dụng dữ liệu lớn và theo dõi vị trí là không thể tránh khỏi trong thời gian dài.
Nếu mô hình này được thực thi, các nhà nghiên cứu ước tính có thể xác định khoảng 1 triệu người dân Đức sẽ bị mắc bệnh, nhưng số người tử vong ở mức 12.000 người. Biện pháp này phải được duy trì trong hai tháng.
Tuy nhiên, sau thời gian đó, sẽ chỉ có một phần nhỏ dân số sẽ có miễn dịch với virus SARS-CoV-2 và vẫn phải duy trì liên tục mức độ cảnh giác cao.
Nghiên cứu cũng tính đến kịch bản tồi tệ nhất có thể xảy ra nếu Đức ít hành động. Theo đó, khoảng 70% dân số sẽ bị mắc bệnh, hơn 80% người dân có thể được chăm sóc tích cực sẽ bị bệnh viện trả về, và khi đó sẽ có trên 1 triệu ca tử vong.
Bộ Nội vụ Đức đã đưa ra khuyến nghị trên sau khi Hàn Quốc tiến hành xét nghiệm trên diện rộng COVID-19 và sử dụng dữ liệu vị trí trên điện thoại thông minh để theo dõi những người đã từng tiếp xúc với những người mắc bệnh.
Chính phủ các nước châu Âu đang chuyển sang sử dụng công nghệ để theo dõi đường đi của virus SARS-CoV-2, song đây cũng là "phép thử" đối với các quy định bảo mật. Việc giám sát của chính phủ là chủ đề nhạy cảm ở Đức và nước này có một số luật bảo vệ quyền riêng tư được cho là cứng rắn nhất thế giới.
Tính đến ngày 26/3, Đức đã ghi nhận 42.288 ca mắc COVID-19 và 253 người tử vong. Nước này cũng đã kéo dài lệnh phong tỏa, cấm tụ tập trên hai người trừ khi sống cùng nhà./.