Đức đề xuất một hiệp ước quốc tế chống đại dịch toàn cầu

Thủ tướng Angela Merkel đề xuất một hiệp ước nhằm giúp các nước hợp tác tốt hơn, đồng thời đề xuất thành lập một hội đồng y tế toàn cầu nhằm kiểm tra việc tuân thủ quy định y tế ở các nước thành viên.
Thủ tướng Đức Angela Merkel. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Thủ tướng Đức Angela Merkel ngày 24/5 đã cảnh báo về nguy cơ xuất hiện các đại dịch mới, đồng thời kêu gọi thế giới trang bị tốt hơn để đề phòng một kịch bản như vậy.

Theo phóng viên TTXVN tại Đức, phát biểu qua một video gửi Hội nghị thường niên của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khai mạc ngày 24/5, Thủ tướng Merkel nhấn mạnh: "Đại dịch hiện nay vẫn chưa được khống chế và cũng chưa phải là đại dịch cuối cùng. Sau đại dịch sẽ lại xuất hiện đại dịch và đối với đại dịch tiếp theo, chúng ta nên chuẩn bị tốt nhất có thể."

Trong thông điệp gửi hội nghị, Thủ tướng Merkel đề xuất một hiệp ước quốc tế chống đại dịch nhằm giúp các nước hợp tác tốt hơn. Ngoài ra, bà cũng đề xuất thành lập một hội đồng y tế toàn cầu nhằm kiểm tra việc tuân thủ các quy định y tế ở các nước thành viên.

Thông qua việc cảnh báo sớm và nhanh chóng ứng phó, thế giới có thể dập tắt được một đại dịch toàn cầu mới ngay từ giai đoạn đầu.

[Chuyên gia Anh: Biến thể virus ở vùng Kent sẽ lan ra toàn thế giới]

Theo Bộ trưởng Y tế liên bang Đức Jens Spahn, để triển khai hiệp ước này, các nước phải có trách nhiệm hợp tác và cùng thực thi các quy định, song điều này sẽ rất khó bởi nhiều nước không muốn ràng buộc vào các quy định mới.

Nhân dịp này, Thủ tướng Merkel cũng đánh giá cao tầm quan trọng của WHO trong nỗ lực toàn cầu chống đại dịch. Bà nhấn mạnh đại dịch COVID-19 cho thấy rõ tầm quan trọng của hợp tác quốc tế và WHO cần tiếp tục đóng vai trò dẫn dắt việc chăm sóc sức khỏe toàn cầu.

Do vậy, WHO cần phải được tiếp tục củng cố về tài chính và nhân lực một cách bền vững để đảm nhiệm các nhiệm vụ và thách thức trong tương lai. Kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát, Đức hiện trở thành nhà tài trợ lớn nhất cho WHO, đứng trước cả Quỹ Bill/Melinda Gates.

Đại dịch COVID-19 đã chi phối ngày họp đầu tiên của Hội nghị thường niên WHO, được tổ chức theo hình thức trực tuyến và kéo dài tới ngày 1/6 tới. Theo số liệu của WHO, cho tới nay đã có ít nhất 115.000 nhân viên y tế trên toàn thế giới tử vong do mắc COVID-19.

Hiện có nhiều ý kiến chỉ trích sự bất công khi ở các nước giàu có, nhiều người trẻ và khỏe mạnh đã được tiêm chủng, trong khi tại nhiều nước khác, ngay cả các nhân viên y tế và lực lượng điều dưỡng viên và những người có nguy cơ lây nhiễm cao nhất vẫn phải chờ được tiêm chủng.

Tại hội nghị, Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus một lần nữa đề cập sự bất cân bằng trong phân phối vaccine COVID-19. Theo ông, có tới 75% số liều vaccine thế giới hiện có tập trung tại 10 nước trên thế giới, trong khi ở những nước khác, hàng triệu nhân viên y tế phải chờ được tiêm chủng.

Ông kêu gọi các nước giàu phân bổ bớt lượng vaccine, để đến tháng 9 tới sẽ có ít nhất 10% và tới cuối năm khoảng 30% dân số toàn cầu được tiêm chủng./. 

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục